Tổng công ty CP Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines, mã: HVN) mới đây vừa ra mắt sàn thương mại điện tử VnaMall, cung cấp dịch vụ đi chợ cuối tuần với 300 sản phẩm, từ thực phẩm, nông sản, đồ uống đến quà tặng, vật phẩm đồng thương hiệu Vietnam Airlines…
Vietnam Airlines bán hàng… online
Hiện, dịch vụ được Vietnam Airlines phục vụ tại 2 thành phố lớn là Tp.HCM và Hà Nội. Khách hàng có thể đặt mua các loại đồ ăn trong nhóm "ẩm thực trên mây" như rượu vang hạng Thương gia hay món tráng miệng, món ăn nhẹ là các loại bánh mỳ.
Trước đó, Vietnam Airlines từng công bố dự định thêm các ngành nghề như sản xuất và phát hành phim điện ảnh, phim video và chương trình truyền hình...
Ảnh chụp sàn thương mại điện tử VnaMall. |
Bước đi mới của Vietnam Airlines trong bối cảnh hãng hàng không quốc gia bị tàn phá nặng nề bởi dịch Covid-19. Thời điểm hiện tại, Vietnam Airlines vẫn chưa thể công bố báo cáo tài chính quý 3/2021 do dịch Covid-19. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 6/2021, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ âm 8.458 tỷ đồng sau soát xét, tăng mạnh so với con số 5.143 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Với 6 quý lỗ liên tiếp, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối quý 2 lên đến âm 17.808 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 34.664 tỷ đồng, khoản phải trả quá hạn của Tổng công ty là 14.805 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu chính thức âm 2.787 tỷ đồng.
Tại báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm, Deloitte Việt Nam nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines, phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ và được gia hạn các khoản vay từ ngân hàng, tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho nhà cung cấp, cho thuê cũng như diễn biến dịch Covid-19.
Tương tự, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên trực tuyến hồi cuối tháng 6, Hội đồng quản trị CTCP Hàng không Vietjet - Vietjet Air (VJC) trình Đại hội đồng cổ đông thông qua bổ sung ngành nghề như bán lẻ đồng hồ, kính mắt, vàng, bạc, đá quý, đồ trang sức, hàng thủ công mỹ nghệ. Bổ sung ngành nghề khác như bán buôn thực phẩm, bán buôn đồ uống, buôn vải hàng may mặc, giày dép, bán lẻ lương thực thực phẩm đồ uống, thuốc lá, thuốc lào trong siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại và cửa hàng kinh doanh tổng hợp; xuất bản báo, tạp chí, ấn phẩm định kỳ, lập trang thông tin tổng hợp; nhiếp ảnh…
Cũng giống như “anh cả” Vietnam Airlines, ở thời điểm hiện tại, Vietjet Air chưa công bố báo cáo tài chính quý 3/2021 dù hầu hết các doanh nghiệp trên thị trường đã hoàn tất. Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2021 cho thấy, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 6 tháng đầu năm 2021 ghi nhận 7.556 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 10% so với báo cáo tự lập. Lỗ gộp bán hàng và cung cấp dịch vụ 2.881 tỷ đồng, tăng 98% so với khoản lỗ cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính tăng gấp 3, từ 1.027 tỷ đồng năm ngoái lên 3.776 tỷ đồng, nhờ đó Vietjet Air ghi nhận lãi thuần từ hoạt động kinh doanh 156,6 tỷ đồng, trong khi năm ngoái lỗ đến 1.729 tỷ đồng.
Nợ phải trả tính đến cuối tháng 6/2021 là 32.880 tỷ đồng, tăng 2.600 tỷ đồng so với con số đầu năm và gấp gần 2 lần so với vốn chủ sở hữu. Trong đó, vay nợ tài chính 11.388 tỷ đồng, chiếm 34,6% tổng nợ phải trả. Tổng tài sản của Vietjet Air tính đến cuối tháng 6 là 49.855 tỷ đồng. Hiện, Vietjet Air đang âm dòng tiền kinh doanh lên đến 3.698 tỷ đồng, tăng so với con số cùng kỳ năm ngoái là 2.049 tỷ đồng. Tiền mặt giảm từ 2.926 tỷ đồng xuống còn 1.517 tỷ đồng. Kiểm toán cho rằng, các điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của Vietjet Air.
Triển vọng nào cho Vietnam Airlines?
Dịch Covid-19 còn phức tạp và kéo dài, do đó việc doanh nghiệp chủ động thay đổi chiến thuật đầu tư kinh doanh là bước đi nhanh nhạy, kịp thời để tìm kiếm cơ hội sinh lời. Tuy nhiên, việc “bẻ lái” sang lĩnh vực mới hoàn toàn dự báo sẽ là một bài toán hóc búa buộc các doanh nghiệp ngành hàng không phải tính toán rất kỹ, bởi triển vọng ngành bán lẻ có dấu hiệu kém tích cực.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10/2021 ước đạt 357,9 nghìn tỷ đồng, tăng 18,1% so với tháng trước và giảm 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2021 đạt 3.720,4 nghìn tỷ đồng, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 10,3% (cùng kỳ năm 2020 giảm 4,5%).
Sự lan rộng của biến thể Delta gây ra đợt dịch COVID-19 thứ tư ở Việt Nam bắt đầu từ cuối tháng 4/2021 dẫn đến số ca bệnh tăng mạnh trên toàn quốc trong suốt quý 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế với tăng trưởng GDP âm 6,17%. Dịch Covid-19 kéo dài đã làm tăng tỷ lệ và số người thiếu việc làm trong độ tuổi trong quý 3/2021 lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. Số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý 3/2021 là hơn 1,8 triệu người, tăng 700,3 nghìn người so với quý trước và tăng 620 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân của lao động quý III/2021 đạt 5,2 triệu đồng/tháng, giảm 847.000 đồng so với quý trước và giảm 573.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.
Thất nghiệp tăng cao, thu nhập của người dân giảm chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến mức chi tiêu của người dân, tâm lý thận trọng tiêu dùng với các mặt hàng mà VietJet Air dự định kinh doanh như vàng bạc, trang sức, đá quý...
Trong khi đó, đối với Vietnam Airlines, so với các sàn thương mại điện tử hiện nay, các sản phẩm mà VnaMall bày bán đang nhắm vào đối tượng khách du lịch là chính. Tuy nhiên, thế khó của VnaMall chính là diễn biến dịch bệnh phức tạp, số ca nhiễm ở Hà Nội và Tp.HCM tăng cao những ngày gần đây cho thấy triển vọng mở cửa ngành hàng không, đón khách du lịch quốc tế gặp nhiều bất lợi.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam lũy kế 10 tháng năm 2021 chỉ đạt 125 nghìn lượt khách, tương ứng mức giảm 99% so với thời kỳ đỉnh cao năm 2019 (14,5 triệu lượt khách) và giảm 96,7% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 10 tháng, vận tải hành khách ước đạt 2.141 triệu lượt khách, giảm 27,1% so với cùng kỳ. Trong đó, hàng không sụt giảm sâu 48,2% do đường bay nội địa hoạt động cầm chừng với công suất hạn chế. Còn thống kê từ Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, trong giai đoạn từ 19/9 - 18/10, số chuyến bay khai thác của Vietnam Airlines là 1.430 chuyến, giảm 80,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Hiện trạng ngành hàng không đang còn quá nhiều khó khăn trước mắt, việc đầu tư sản xuất sản phẩm mới cũng như hạ tầng thương mại điện tử sẽ tăng thêm vốn trong khi doanh thu chưa có dấu hiệu khả quan, tạo nhiều rủi ro cho Vietnam Airlines. Đặc biệt trước đó cũng từng có nhiều trang thương mại điện tử sập sàn. Tuy nhiên, Vietnam Airlines hoàn toàn có thể tìm cách khác bằng bán hàng độc lạ nhập khẩu, đơn hàng xử lý nhanh, hậu cần tốt chắc chắn sẽ thu hút khách hàng", một nhà đầu tư chuyên nghiệp nhấn mạnh.
Trung Việt