Chưa bao giờ "đại gia" Thái Lan lại chi tiêu nhiều tiền như hiện nay để thôn tính một loạt thương hiệu lớn trong hiện tại hoặc trong tương lai như ở Việt Nam. Động thái này khiến dư luận quan ngại về những mối đe dọa tiềm năng từ các nhà đầu tư Thái thông qua hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A).
Tính sẵn từ trước
Tập đoàn Siam Cement Group (SCG), từ cuối năm ngoái đã thể hiện rõ ý định mua lại toàn bộ phần vốn góp của PetroVietnam tại dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn trị giá 5,4 tỷ USD kèm theo một số điều kiện để dự án có thể triển khai thuận lợi.
Mới đây, ý định này đã được toại nguyện khi SGC hoàn tất ký hợp đồng với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) để mua lại 29% cổ phần còn lại tại dự án này với giá trị 2.052 tỷ đồng. Giao dịch dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2018, SCG nâng tỷ lệ nắm giữ Hóa dầu Long Sơn từ 71% lên 100%.
Các chuyên gia đánh giá đây là một trong những thương vụ thâu tóm đình đám nhất của SCG và tập đoàn của Thái Lan, thế lực lớn của ngành công nghiệp lọc hóa dầu ở Việt Nam trong thời gian tới, trước các "ông lớn" khác như Nhà máy lọc dầu Dung Quất (PetroVietnam đang nắm cổ phần chi phối) hay Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn (Petro Vietnam liên doanh với đối tác Nhật Bản, Kuwait).
Nên nhắc thêm, SCG đang được xem là tên tuổi tiêu biểu nhất của Thái Lan trong các thương vụ M&A lớn nhất tại Việt Nam từ năm 2016 đến nay. Họ đã từng mua lại nhà máy xi măng Holcim ở mức 500 triệu USD và thâu tóm Prime Group – nhà sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 20% thị phần ở Việt Nam.
SCG cũng tiến đến thâu tóm công ty CP Nhựa Bình Minh và sở hữu cổ phần lớn tại công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong vốn đang chiếm đến 50% thị trường ống nhựa xây dựng tại Việt Nam.
Ngoài ra, SCG còn nắm cổ phần tại 18 DN khác ở Việt Nam. Những hoạt động này chính là sự hiện thực hóa quan điểm của người đứng đầu SCG là ông Kan Trakulhoon, theo đó chính sách ưu tiên đầu tư của SCG vào Việt Nam là mua lại, vì chiến lược này giúp công ty đến với thị trường Việt nhanh hơn.
Bà Đỗ Lan Hương, Phó Giám đốc Tư vấn thương vụ, M&A thuộc công ty TNHH Thuế và Tư vấn KPMG, từng đánh giá các nhà đầu tư Thái Lan là những nhà đầu tư nổi bật trên thị trường M&A Việt Nam, với các thương vụ có giá trị giao dịch lớn nhất.
Ngành lọc hóa dầu ở Việt Nam nay có thêm thế lực lớn từ Thái Lan |
Bài toán khó giải
Theo bà Hương, Việt Nam vẫn là thị trường mục tiêu thuận lợi cho các tập đoàn của Thái Lan như SCG hay Central Group, Berli Jucker Corporation (BJC) và Singha Beverage vì gần gũi về mặt địa lý và văn hóa, đồng thời là thị trường tương đối lớn và có tiềm năng phát triển.
"Chúng tôi dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục tăng cùng với sự gia nhập thị trường của các tập đoàn lớn khác và các công ty quy mô nhỏ hơn của Thái Lan. Về ngành mục tiêu, nhà đầu tư Thái chủ yếu đầu tư vào các ngành bán lẻ, thực phẩm, đồ uống, đóng gói và xi măng", vị chuyên gia của KPMG nói.
Ngoài ra, giới phân tích cho rằng các đại gia Thái còn muốn bỏ vốn mạnh để thâu tóm mảng bất động sản đô thị – nghỉ dưỡng, năng lượng sạch, dược phẩm và viễn thông, lọc hóa dầu ở Việt Nam.
Các tập đoàn lớn của Thái Lan vẫn nghĩ rằng họ cần rót vốn nhiều hơn vào M&A ở khu vực ASEAN và Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất. Họ cũng nhận thức được rằng đôi khi cần quyết định nhanh hơn và phải trả nhiều tiền hơn, để cạnh tranh với các nhà đầu tư từ các nước khác, đặc biệt là từ Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc.
Điều đáng nói, những công ty ở Việt Nam được các "đại gia" Thái thâu tóm thường là những tên tuổi lớn, chiếm giữ thị phần đáng kể trên thị trường, có kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, đồng thời có sự phát triển bền vững và tầm ảnh hưởng ở trong nước.
Trong đó, điển hình nhất phải kể đến Tổng công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) – đang chiếm 40% thị phần trong nước, đang được Tập đoàn ThaiBev của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi nắm cổ phần chi phối và đưa người của họ vào điều hành.
Có thể thấy, tham vọng dẫn dắt cuộc chơi của "đại gia" Thái Lan đang thể hiện rõ ở Việt Nam trong nhiều lĩnh vực kinh tế thiết yếu. Việc tất bật các hoạt động M&A càng giúp cho các tập đoàn Thái Lan dễ dàng thâm nhập sâu hơn và nắm bắt được thị trường Việt Nam mà họ đang có ưu thế.
Vấn đề đặt ra là trước "bẫy" thâu tóm tính sẵn của đại gia Thái, các DN Việt cần chuẩn bị tư thế gì và hành động nào nhằm đảm bảo một chỗ đứng nhất định ngay trên thị trường "sân nhà"?
Và liệu các DN Việt có đủ sức liên kết lại để cạnh tranh với các nhà đầu tư Thái trong các thương vụ M&A còn tiếp diễn trong tương lai. Rõ ràng, đây là cả bài toán khó giải!
Ngoài ra, đó còn là nỗi lo khác về những rủi ro, phương hại thị trường nếu như các "đại gia" Thái sau khi thâu tóm lại tiếp tục "bán cái" cho các nhà đầu tư ngoại khác, trong bối cảnh các nhà đầu tư từ Trung Quốc cũng đang dòm ngó thị trường Việt thông qua hoạt động M&A.
Thế Vinh