Nắng nóng kéo dài, nhiều người đi nghỉ mát để trốn nóng nhưng thực tế các bãi biển Đồ Sơn, Sầm Sơn, Bãi Cháy, Cửa Lò… luôn trong tình trạng đông đúc, đặc biệt những ngày cuối tuần, không khí càng trở nên ngột ngạt hơn bởi sức nóng của thời tiết, lẫn sự chen lấn,ồn ào của đám đông.
Khu du lịch Bãi Cháy (Tp. Hạ Long) là một trong những điểm đến lý tưởng của du khách, nhưng không ít người phải phiền lòng ở ngay vòng gửi xe. Anh Nguyễn Trung Kiên, Cầu Giấy cho biết năm nào gia đình tôi cũng đi nghỉ mát, vừa rồi đợt nghỉ lễ dịp 30/4 chúng tôi nghỉ ở Bãi Cháy.
Muôn kiểu “chặt chém”…
Do mật độ khách đổ về khá lớn, nhiều bãi đỗ xe do tự phát mọc lên. Lòng đường, vỉa hè được tận dụng làm nơi trông giữ xe tự phát. Giá thu phí trông giữ cao tới mức cắt cổ, 30.0000 đồng/xe máy, 100.000 đồng/xe ô tô con, xe 24 chỗ 200.000 đồng… cao gấp 5-7 lần so với mức giá thông thường.
Sự chiếm dụng vỉa hè, lòng đường làm bãi trông giữ xe trái phép khiến người đi bộ không còn chỗ để đi, đành phải tràn xuống lòng đường cùng phương tiện giao thông gây ùn tắc.
Chị Lê Thị Nguyên (Định Công, Hà Nội) vừa trở về từ chuyến đi Đồ Sơn cùng gia đình cho biết do chủ quan không đặt vé trước mà cả nhà chị phải mất hơn 2 tiếng mới tìm được chỗ nghỉ tạm.
Đi vào ngày thứ bảy, chủ nhật nên giá phòng bị tính đắt gấp đôi so với ngày thường. Nơi chị nghỉ là nhà nghỉ thông thường giá chỉ 500.000 đồng/phòng/đêm nhưng hôm đó, chị đã phải chấp nhận móc hầu bao trả 900.000 đồng/phòng/đêm.
Tại một khách sạn 3 sao trên địa bàn Thành phố trung tâm tỉnh Hà Tĩnh cách bãi biển Thiên Cầm không xa, chúng tôi đã chứng kiến sự tức giận của một vị khách nước ngoài khi họ khoác ba lô vào hỏi thuê phòng.
Khi nhân viên nói giá phòng 1,1 triệu đồng/phòng/đêm, vị khách này tròn mắt ngạc nhiên và thốt lên một câu tiếng Anh mà khi dịch ra tiếng Việt là “Thật khủng khiếp” rồi họ nói một câu bồi tiếng Việt mới học “xấu quá”. Lý do chính là sự đối xử phân biệt khi cũng phòng đó giá cho người Việt chỉ là 650.000 đồng/phòng/đêm.
Trở về từ Cát Bà với thể trạng bơ phờ vì vừa say sóng lại vừa mệt mỏi với cảnh lộn xộn của nơi đây, chị Đoàn Thu Thủy, quận Đống Đa cho biết, chị đi tàu cao tốc từ Hải Phòng ra Cát Bà với giá vé 250.000 đồng/người.
Vé tàu giá cao nhưng vì quá đông nên khách lên tàu chen lấn, xô đẩy như đi tàu chợ. Không chỉ quá đông đúc, hệ thống điều hòa trên tàu cũng bị hỏng, phải sử dụng hệ thống quạt máy khiến không khí càng trở nên ngột ngạt.
Đáng nói là trên cuống vé có in dòng chữ rất phản cảm: “ Nếu vì điều kiện bất khả kháng, công ty được quyền hủy hoặc thay đổi lịch tàu chạy mà không chịu bất kỳ trách nhiệm nào.”
![]() |
Thu hút du lịch không chỉ ở thắng cảnh đẹp, sự đa dạng của dịch vụ mà quyết định nhất vẫn là ý thức, thái độ phục vụ du khách
Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi?
Nối khổ của du khách tiếp tục khi vừa thoát khỏi chuyến tàu ngột ngạt, vừa bước chân xuống tàu đã có một đám đông xe ôm, cò mồi bủa vây mời mọc đi xe ôm, mời thuê phòng. Có cả một đội ngũ cò chuyên cầm các đưa cho du khách mời mọc với lời quảng cáo hấp dẫn, nhà nghỉ bình dân, gần biển, tiện nghi đầy đủ, có cả wifi, phòng ốc sạch sẽ. Thậm chí, có xe ôm còn sẵn sàng chở miễn phí nếu đồng ý thuê nhà nghỉ do anh giới thiệu.
Không chỉ mời chào nhà nghỉ, các dịch vụ ăn uống của các nhà hàng cũng cử người chờ sẵn ở bến phà để đưa card cho khách. Chị Thủy cho biết đã từng phải ăn ở một nhà hàng ở Cát Bà với đĩa rau muống lên tới 150.000 đồng/đĩa.
Tại nhiều địa phương, chính quyền ra sức dẹp nạn chặt chém, nhộn nhạo. Năm nay, quận Đồ Sơn (Hải Phòng) đã yêu cầu các nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn ký cam kết về giá cả, kiên quyết không để xảy ra tình trạng “chặt chém” du khách.Tại các điểm ăn uống ở các nhà hàng đều công khai giá cả để du khách tính toán trước khi lựa chọn.
Thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa) còn tỏ ra quyết liệt hơn trong việc giải quyết vấn nạn này khi ông Trịnh Huy Triều, Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn, tuyên bố và công khai số điện thoại rằng nếu du khách bị chèo kéo, ép giá, làm phiền… hãy điện về đường dây nóng của Chủ tịch UBND thị xã, Trưởng Công an thị xã, Đội trưởng đội quản lý thị trường…
Để đạt mục tiêu 3,5 triệu du khách mùa du lịch 2015, Sầm Sơn còn đưa ra bộ quy tắc “9 có và 9 không”. Trong đó, “9 không” gồm: Không bán hàng rong, tẩm quất dạo, ăn mày, ăn xin; không chèo kéo, đeo bám làm phiền du khách; không mồi chài, ép buộc khách sử dụng hàng hóa, dịch vụ; không to tiếng, nặng lời với du khách; không xả rác thải, nước thải tùy tiện; không làm hàng quán, cơi nới, lấn chiếm trái phép; không sử dụng, đậu đỗ phương tiện sai quy định; không tổ chức trò chơi có thưởng, cờ bạc trá hình; không chăn, thả gia súc, gia cầm trong khu du lịch.
Nhiều ý kiến cho rằng, sự nỗ lực, triệt để giải quyết những bất cập của những dịch vụ du lịch tại những địa danh thu hút du khách chỉ là một phần tác động đến tư tưởng muốn quay trở lại của du khách. Điều quan trọng hơn cả là ý thức của chính những người làm du lịch, người dân địa phương.
Thu hút du lịch không chỉ ở thắng cảnh đẹp, sự đa dạng của dịch vụ mà quyết định nhất vẫn là ý thức, thái độ phục vụ du khách. Làm sao để nạn làm ăn chộp giật, chặt chém hoàn toàn chấm dứt, làm vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi thì du lịch địa phương đó mới có thể phát triển bền vững.
Thu Hường