Theo báo cáo mới đây của Kantar Việt Nam, người tiêu dùng có thể sẽ không cắt chi tiêu cho những mặt hàng thiết yếu và quà tặng dịp Tết, tuy nhiên, họ sẽ có xu hướng tìm kiếm những sản phẩm ở phân khúc thấp hơn hoặc nhiều khuyến mãi hơn. Bên cạnh đó, người tiêu dùng sẽ ưu tiên những kênh mua sắm mang lại nhiều giá trị hơn, tiện lợi hơn, thay vì chỉ tập trung vào một lựa chọn nhất định.
Còn báo cáo của Adtima cho biết, các mặt hàng "chiếm sóng" dịp cuối năm sẽ là thực phẩm (bánh kẹo, đồ khô) hay đồ uống - những mặt hàng thiết yếu trong dịp lễ, tết. Bên cạnh đó, các sản phẩm ăn uống hữu cơ, chất lượng cao cũng được người dân quan tâm tìm kiếm, chiếm tới 62,3% lựa chọn khi được khảo sát.
Tại thời điểm này, nhiều người tiêu dùng đã bắt đầu bước vào mùa mua sắm cuối năm. Chị Mai Hương (43 tuổi, quận Cầu Giấy) cho biết, năm nay kinh tế có nhiều biến động. Tuy nhiên, chị đang đang lạc quan hơn về tình hình tài chính trong 12 tháng tới nhưng vẫn sẽ hạn chế chi tiêu trong dịp Tết 2024.
Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là có sức hấp dẫn và nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, trong năm 2023 kinh tế có nhiều biến động, tác động đến hành vi thói quen mua sắm của người tiêu dùng. |
“Dịp cuối năm thu nhập của người lao động sẽ tăng hơn nhờ các khoản thưởng ngày lễ. Tuy nhiên, gia đình tôi vẫn phải tiêu dùng chọn lọc, chỉ tập trung vào lương thực, thực phẩm, cho gia đình và sữa cho các con, bởi cũng không biết tình hình kinh tế năm 2024 ra sao nên vẫn phải để dành một khoản tích luỹ cho những tháng đầu năm tới”, chị Hương cho hay.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ước đạt 552,7 nghìn tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước.
Các chuyên gia kinh tế dự báo, hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại - dịch vụ trên cả nước theo đó cũng đã diễn ra khá sôi động, dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm, đặc biệt với nhóm hàng tiêu dùng, thời trang, gia dụng.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, dự kiến từ nay đến cuối năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có thể tăng trở lại khi kinh tế trong nước đang dần hồi phục, nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng như chương trình khuyến mại tập trung quốc gia, tháng khuyến mại tại nhiều địa phương, hội chợ hàng hóa Tết…
Ở góc độ nhà bán lẻ, các đơn vị lớn như: Saigon Co.op, Aeon, Lotte Mart, Winmart... đã dự trữ số lượng hàng hoá lớn nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định. Đồng thời, đang liên tục thực hiện những đợt khuyến mãi lớn, kéo dài ở tất cả các ngành hàng.
Đại diện AEON Việt Nam cho biết, dự kiến sức mua sẽ tăng từ 5-10% trong giai đoạn cuối năm 2023. Do đó, doanh nghiệp đã chuẩn bị nguồn cung lớn các loại hàng hóa, tăng khoảng 10% so với năm trước, đảm bảo về chất lượng, an toàn thực phẩm, giá cả ổn định kèm nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn. Từ ngày 15/12, AEON Việt Nam bắt đầu giới thiệu các sản phẩm giỏ quà Tết để phục vụ nhu cầu chuẩn bị quà biếu, tặng cho dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán 2023.
Trong khi đó, để chuẩn bị cho mùa mua sắm nhộn nhịp nhất năm, WinCommerce đã lên kế hoạch cung ứng hàng hóa dịp cuối năm từ 2-3 tháng trước. Đại diện WinCommerce cho biết, trong dịp cuối năm, hệ thống sẽ áp dụng mức ưu đãi hội viên 20% cố định với sản phẩm rau sạch WinEco, thịt mát MEATDeli.
Tại hệ thống siêu thị BigC cũng đồng loạt có những chương trình giảm giá sốc, đặc biệt là mặt hàng thiết yếu như: thực phẩm, rau quả, đồ ăn… Các chương trình siêu giảm giá đã thu hút đông đảo người dân đến mua sắm tại các siêu thị.
Central Retail Việt Nam cho biết, để đáp ứng nhu cầu mùa mua sắm sôi động nhất năm, hệ thống siêu thị Go và Big C sẽ mang đến hàng loạt ưu đãi với mức giá giảm sâu. Theo đó, với chương trình "giá luôn luôn rẻ hơn" sẽ có hơn 1.000 sản phẩm tiêu dùng thiết yếu được bày bán với mức giá rẻ hơn thị trường trong phạm vi 10km. Bên cạnh đó, gian hàng đồ uống cũng được giảm cực sâu lên đến 48% trong tháng cuối năm…
Thanh Hoa