Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn vừa ký văn bản gửi nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương... đề nghị hỗ trợ kết nối, tiêu thụ bưởi Phúc Trạch (huyện Hương Khê)
Trái cây chính vụ ồ ạt cần hỗ trợ
Kể từ khi thương hiệu bưởi Phúc Trạch được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Phúc Trạch” cho sản phẩm “Quả bưởi” huyện Hương Khê là một trong 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ từ ngày 1/8/2020, sản phẩm luôn được thị trường đón nhận và được giá.
Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng dịch Covid-19, sản phẩm bưởi Phúc Trạch đang vào vụ thu hoạch nhưng ế ẩm, khó tiêu thụ. Đồng thời lo ngại nếu tiêu thụ chậm, mùa mưa bão sắp đến sẽ thêm khó khăn cho nông dân trồng bưởi. Trong bối cảnh đó, tỉnh Hà Tĩnh đã tìm nhiều giải pháp để hỗ trợ tiêu thụ bưởi Phúc Trạch, văn bản Phó Chủ tịch Đặng Ngọc Sơn vừa ký là một trong số đó.
Nhãn lồng Hưng Yên đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ. |
Không chỉ riêng Hà Tĩnh, tại nhiều tỉnh trên cả nước đang vào vụ thu hoạch trái cây, song đầu ra cho sản phẩm cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Thời điểm này, tại xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận), 220ha trồng cây nhãn da bò đang vào mùa thu hoạch rộ nhưng chưa có người mua và giá thu mua thấp. Ước khoảng 700 tấn nhãn đang bị tồn đọng.
Hiện cũng đang là thời điểm thu hoạch nhãn tại các vùng sản xuất Hà Nội, trong đó có sản phẩm nhãn đặc sản (nhãn chín muộn Quốc Oai, nhãn miền Gia Lâm...), có chất lượng tốt, được chứng nhận VietGAP, sản lượng lớn rất cần tiếp tục tổ chức kết nối - tiêu thụ trong thời điểm hiện nay.
Được biết, nhãn chín muộn tại huyện Quốc Oai do HTX Nông nghiệp Đại Thành cung ứng. Mặt hàng này có 2 loại với giá bán dự kiến loại 1 là 20.000 đồng/kg, loại 2 là 15.000 đồng/kg (giá đến tay người nhận). Nhãn miền tại Gia Lâm do HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Trâu Quỳ cung ứng với giá dự kiến đến tay người nhận là 14.000 đồng/kg. Nhãn tròn Hoài Đức do HTX Nông nghiệp Đông Lao (xã Đông La, Hoài Đức) cung ứng giá dự kiến đến tay người nhận là 13.000 đồng/kg.
Đẩy mạnh tiêu thụ trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp
Theo các chuyên gia, lâu nay nông sản nước ta cũng đối diện với nhiều khó khăn, vướng mắc, dịch bệnh Covid-19 như một cú bồi khiến thị trường bị đứt gãy. Bởi, nông sản của nước ta có tính chất mùa vụ, điều này càng dễ gặp khó khăn, áp lực tiêu thụ khi đến vụ thu hoạch. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát ở những thị trường xuất khẩu chủ lực nên việc xuất khẩu ra các nước bị đứt gãy càng khiến nhiều mặt hàng nông sản rơi vào nguy cơ ùn tắc khâu lưu thông, phân phối.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, khó khăn thách thức, cũng có những cơ hội và thị trường sẽ mở ra nếu như chúng ta tận dụng được hiệu quả lợi thế của các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA...
Đơn cử, thời gian qua tỉnh Bắc Giang tiêu thụ trái vải thiều rất thành công ở cả thị trường trong nước và trên thế giới. Tại thị trường thế giới, năm nay vải thiều của tỉnh Bắc Giang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia, gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Singapore, Lào, và Campuchia. Đến thời điểm này, việc tiêu thụ vải thiều ở Bắc Giang khá ổn định, không có tình trạng giá vải xuống thấp ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của người dân.
Chia sẻ với VnBusiness, PGS.TS Hoàng Văn Cường, Hiệu phó Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: “Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng nhờ sự chuẩn bị chu đáo của các cấp chính quyền và nhân dân, việc tiêu thụ vải thiều của Bắc Giang vẫn diễn ra thuận lợi. Và, từ thực tiễn của tỉnh Bắc Giang có thể thấy, nếu chúng ta có giải pháp đồng bộ và có cách làm chủ động, sáng tạo thì chúng ta sẽ giải quyết được những khó khăn”.
Hiện nay, cách làm này đang được áp dụng tại nhiều địa phương. Điển hình tại Sóc Trăng nhiều nhà vườn phấn khởi khi trái cây có đầu ra. Ông Nguyễn Thành Phước, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, hiện trái bưởi đầu ra ổn định, bởi được Công ty Cổ phần VINAGREENCO bao tiêu. Đây là công ty đã được đơn vị kết nối thu mua trái bưởi với HTX Bưởi Thành Công. Bình quân mỗi ngày lượng bưởi công ty thu mua từ 8 - 10 tấn. Nhãn tại Cù Lao Dung cũng được thương lái đến thu mua mỗi ngày.
“Trong thời điểm thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, đơn vị đã đề nghị công ty thu mua bưởi tại Kế Sách, cử người trực tiếp ở ngay tại địa phương để thu mua trái bưởi và HTX đứng ra thu mua bưởi về giao lại cho phía công ty vận chuyển đi tiêu thụ, không xảy ra tình trạng tồn đọng”, ông Phước cho hay.
Bên cạnh trái bưởi có đầu ra tốt thì trái nhãn và rau màu có đầu ra còn gặp khó. “Đơn vị đã phối hợp cùng ngành chuyên môn thúc đẩy tiêu thụ nhãn khi đang vào chính vụ. Đồng thời, trước mắt đơn vị tiếp tục hỗ trợ kết nối các tiểu thương thu mua và buôn bán trái cây của huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Bưu điện tỉnh hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và vận động các ngành, các cấp, đoàn thể tham gia kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ tiêu thụ nhãn”, ông Phước cho biết.
Hoàng Hà
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |