DN đề xuất Chính phủ cho phép ngành may mặc và những ngành nhiều lao động ưu tiên tiêm vắc-xin Covid-19 trước. |
Tổng giám đốc Công ty May 10, Thân Đức Việt chia sẻ: Hiện nay doanh nghiệp có quá nhiều đơn hàng và làm không hết, do quy định chống dịch quá chặt chẽ. Hiện May 10 đang yêu cầu 200 lao động dạng F2, F3 ở nhà, nhưng nếu kéo dài, sẽ rất khó để duy trì sản xuất, bởi may mặc là làm theo thời vụ, tính theo ngày chứ không còn theo tuần.
DN "đau đầu" vì không tuyển đủ lao động
Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam không thể tách rời giữa sản xuất kinh doanh và chống dịch. Tuy nhiên, điều doanh nghiệp (DN) cần hiện nay là làm sao vẫn đảm bảo hoạt động sản xuất ổn định, nhưng vẫn chống dịch một cách an toàn và hiệu quả.
Dẫn chứng từ câu chuyện của DN mình, ông Thân Đức Việt cho biết, dịch Covid-19 xuất hiện từ đầu năm 2020 và kéo dài đến thời điểm hiện nay, thậm chí mức độ lây lan và sự nguy hiểm của dịch ngày càng tăng. Thế nhưng câu chuyện sản xuất kinh doanh giữa 2 năm lại hoàn toàn khác nhau.
“Năm trước, khi bị ảnh hưởng bởi Covid-19, May 10 bị chặt đứt nguồn cung và cầu, bởi 90% sản phẩm của chúng tôi là xuất khẩu tới thị trường Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Quý II/2020 DN phải dừng sản xuất do đối tác dừng đơn hàng, bị đọng vốn ở nguyên vật liệu và tiền lương lao động. Tuy nhiên, năm nay câu chuyện lại ngược lại là có quá nhiều đơn hàng và làm không hết. Cho thấy, chỉ trong 1 năm mà diễn biến hết sức phức tạp”, ông Việt nói.
Dù đơn hàng nhiều, song DN chưa thể vui mừng do quy định chống dịch rất chặt chẽ, nhưng lại chưa tháo gỡ cho DN để làm sao vẫn sản xuất được trong bối cảnh chống dịch. “Hiện chúng tôi vẫn đang yêu cầu 200 lao động thuộc đối tượng F2, F3 ở nhà. Nếu tình trạng này kéo dài, sẽ rất khó để chúng tôi duy trì sản xuất, bởi may mặc là làm theo thời vụ, tính theo ngày chứ không còn theo tuần”, Tổng giám đốc May 10 lo lắng.
Việc thiếu lao động không chỉ diễn ra riêng với May 10 mà đây đang là nỗi lo lớn của hầu hết các doanh nghiệp dệt may. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn 3, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh cho biết, năm 2020, do không có đơn hàng, một số doanh nghiệp phải giãn, dừng sản xuất khiến lao động mất hoặc bỏ việc do thu nhập không bảo đảm cuộc sống.
Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, lượng đơn hàng dồi dào, sản xuất đã sôi động trở lại thì doanh nghiệp lại không tuyển đủ lao động. “Nhiều khách hàng yêu cầu tăng sản lượng nhưng số lượng lao động tăng theo không kịp khiến doanh nghiệp khó khăn trong đáp ứng đơn hàng”, ông Phạm Xuân Hồng nói.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam đang có mức khởi sắc nhất định trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Kết thúc quý I/2021 nhiều lĩnh vực đều tăng trưởng như công nghiệp, xuất nhập khẩu... Đây là thành quả có được nhờ phòng chống dịch bệnh rất hiệu quả.
Ưu tiên "liều thuốc" vắc-xin DN
Để DN tận dụng được cơ hội trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia cho rằng cần có giải pháp thực thi ngay để gỡ khó về nguồn lao động cho DN sản xuất.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung Ương khẳng định, Việt Nam không thể tách rời giữa kinh doanh và chống dịch.
Thực tế, hiện nay bên cạnh đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, các DN cũng quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch. “Chi phí DN sẽ bị đội lên rất nhiều để phòng dịch Covid-19”, ông Hiếu khẳng định và cho rằng, chi phí xét nghiệm, truy vết Covid-19 cao hơn rất nhiều so với tiêm vắc-xin. Vì vậy, cần đẩy nhanh việc tiêm phòng đến với người dân.
Các chuyên gia cũng đánh giá, việc triển khai tiêm vắc-xin Chính phủ đang làm rất tốt trong khả năng của mình. Nhưng phải mở ra một kênh nữa là vắc-xin DN. Cụ thể, DN chủ động tiêm vắc-xin từ nguồn kinh phí của mình. Nhà nước kiểm soát về mặt an toàn, ở 2 khía cạnh là quy trình tiêm và danh mục vắc-xin.
“Tuy vậy, những quyết định của Chính phủ về vắc-xin DN cần phải rất nhanh. Nếu chúng ta trì hoãn 2, 3 tháng nữa, câu chuyện này có khi lại không còn ý nghĩa. Theo tôi, đây là "liều thuốc" nên được ưu tiên số 1 hiện nay”, ông Hiếu nói.
Trong khi đó, nhiều DN cho biết, sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ để xã hội hóa nguồn vắc-xin. Tại May 10 cũng đang triển khai các kịch bản chống dịch khác nhau, như cách ly 1 tổ sản xuất, 1 toà nhà. “Nhưng các vấn đề cách ly, truy vết, dập dịch chưa thể giải quyết tận gốc vấn đề, bởi vắc-xin sẽ đóng vai trò trọng yếu”, ông Đức cho hay
Theo đại diện May 10, DN đã đề xuất Chính phủ cho phép ngành may mặc và những ngành nhiều lao động ưu tiên tiêm vắc-xin trước. Bởi chi phí tiêm vắc-xin chỉ bằng 1/3 chi phí xét nghiệm, do đó, việc tiêm vắc-xin chính là giải pháp căn cơ, lâu dài và tiết kiệm.
"Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 21/NQ-CP về mua và sử dụng vắc-xin, chúng tôi rất mong nghị quyết này sớm được triển khai, bởi dịch bệnh thì không chờ ai”, ông Đức nói.
Thanh Hoa