ALS được thành lập năm 2007, với ba cổ đông sáng lập là Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), công ty TNHH MTV Đầu tư và Thương mại Quốc tế (Interserco) và công ty CP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (NCTS).
ALS thành lập với ngành nghề kinh doanh chính là cung cấp các dịch vụ phục vụ hàng hóa hàng không, dịch vụ kho vận và các dịch vụ logistics khác tại Việt Nam.
Sau khi thành lập, ALS đã nhanh chân nhảy vào vận chuyển hàng hóa, linh kiện sản xuất của các doanh nghiệp FDI như Samsung, LG tới các khu công nghiệp quanh Hà Nội.
"Đại gia" logistic hàng không
Năm 2009, ALS thành lập công ty TNHH ALS Bắc Ninh (ALSB) tại Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) với mục tiêu đưa hàng hóa, nguyên vật liệu vận chuyển qua đường hàng không, sản phẩm ngành công nghiệp phụ trợ và chế xuất tại Khu công nghiệp Yên Phong, trong đó nổi bật là các linh kiện cho nhà máy Samsung Electronic Vietnam (SEV).
Diện tích mặt bằng của ALSB là 30.000m2 cùng công suất phục vụ đạt tới 140.000 tấn hàng hoá/năm và đang gia tăng đều đặn.
Năm 2012, ALS thành lập công ty CP ALS Đông Hà Nội (ALSE) tại Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh, vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu tới Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh và các khu công nghiệp phía Đông Hà Nội. ALSE cũng có diện tích "khủng", tới 10.000m2.
Năm 2013, khi cụm từ Khu công nghiệp Thái Nguyên bắt đầu thông dụng, ALS tiếp tục cùng công ty CP Dịch vụ Sân bay thành lập công ty TNHH MTV ALS Thái Nguyên (ALST) tại Khu công nghiệp Yên Bình 1 (Thái Nguyên). ALST được xây dựng trên diện tích 30.000m2 tại vị trí trọng điểm cách Cảng hàng không quốc tế Nội Bài 30km.
Những bước đi của ALS gắn chặt với sự phát triển của các khu công nghiệp và mang lại kết quả kinh doanh rất khả quan.
Ngoài ra, ALS còn có lợi thế lớn mà các đối thủ cạnh tranh tại Nội Bài không có được, đó là quỹ đất của ALS rộng lớn, tập trung. Công ty đang thuê hơn 40.000m2 đất tại xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) và gần 7.000m2 đất nhận góp vốn, hợp tác tại Nam Từ Liêm. Tổng diện tích đất mà ALS đang quản lý là gần 51.000m2.
Công ty này hiện có nhà ga hàng hóa lớn nhất Nội Bài, diện tích mặt bằng 15.000m2 với 4 tầng, vị trí thuận lợi tiếp giáp với sân đỗ máy bay. Công suất phục vụ khoảng 200.000 tấn hàng hóa mỗi năm.
Chỉ sau 10 năm phát triển, ALS đã chiếm trên 50% sản lượng hàng quốc tế tại Sân bay Nội Bài với nhiều khách hàng lớn là Cathay Pacific Airways (CX) và Hong Kong Dragon Air, Korean Air, China Airlines…
Năm 2017, ALS đạt doanh thu 957 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 314 tỷ đồng, tương đương với tỷ suất lợi nhuận lên tới 33%. Sang năm 2018, ALS đặt kế hoạch doanh thu 1.089 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 372 tỷ đồng.
ALS hiện có nhà ga hàng hóa lớn nhất Nội Bài, diện tích mặt bằng 15.000m2 với 4 tầng |
Lợi nhuận vào túi ai?
ALS phát triển mạnh nhờ lợi thế lớn về hệ thống kho bãi ở sân bay Nội Bài không phải là điều đáng ngạc nhiên, vì đây là một thành viên của công ty CP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (NCTS).
ALS đã góp vốn cùng công ty CP Đầu tư thương mại và dịch vụ quốc tế… thành lập công ty CP Dịch vụ sân bay (ASG), chuyên lo thủ tục các hàng hóa, dịch vụ giá trị cao cho các khách hàng của ACV và Sân bay Nội Bài.
Lưu ý rằng khai thác các dịch vụ có yêu cầu rất cao về an ninh và chất lượng như sân bay là một loại hình kinh doanh đặc thù. Nhiều doanh nghiệp mong muốn được hoạt động trong lĩnh vực này nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đáp ứng được mọi yêu cầu.
Chẳng hạn, hãng Samsung – doanh nghiệp hiện chiếm không dưới 25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, cũng đã bị từ chối cho thuê diện tích tại Sân bay Nội Bài để tự làm thủ tục hàng không cho hàng hóa của hãng. Samsung hiện vẫn phải thuê dịch vụ của ALS.
Như vậy, với tư cách "con cưng" của ACV, ALS chỉ cần thành lập ASG là đã có thể khai thác triệt để tiềm năng này và biến ASG thành một "con gà đẻ trứng vàng" trong ngành dịch vụ hàng hóa hàng không tại Việt Nam.
Tuy nhiên, lợi ích này lại đang biến thành đặc quyền dành cho chuỗi doanh nghiệp "thân hữu" hay vô tình làm cổ đông trong những doanh nghiệp này.
Cụ thể, tại ASG, tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của ALS chỉ còn chưa tới 5%, trong khi một công ty TNHH và một cá nhân còn lại nắm gần 78%.
Đương nhiên, theo quy định về công ty cổ phần, ai nắm giữ nhiều cổ phần thì người đó sẽ được hưởng nhiều lợi nhuận hơn. Nói cách khác là phần lợi nhuận béo bở nhất từ ALS, hay rộng hơn là từ ACV, đang chảy qua các công ty con hoặc các cá nhân.
Hồng Nhung