Theo Nikkei Asia, nhà phát triển bán lẻ Nhật Bản Aeon Mall sẽ triển khai một dịch vụ logistics tinh gọn dành cho các khách thuê, với mục tiêu cắt giảm 60% chi phí vận chuyển.
Dịch vụ logistics này lần đầu được triển khai tại trung tâm mua sắm Aeon Mall ở thành phố Huế - trung tâm mới nhất, chính thức khai trương vào tháng 9 vừa qua. Dự kiến, dịch vụ sẽ có mặt tại tất cả 7 trung tâm mua sắm Aeon Mall ở Việt Nam trước cuối năm 2027.
Gian hàng cho trẻ em tại trung tâm thương mại Aeon Mall, Hà Đông, Hà Nội. |
Được biết, theo mô hình tiết kiệm chi phí, xe tải sẽ thu gom hàng hóa từ nhiều kho và nhà máy khác nhau, sau đó vận chuyển đến các trung tâm mua sắm. Các xe tải này cũng sẽ dừng lại tại các trung tâm mua sắm khác hoặc các cửa hàng bán lẻ dọc đường đi.
Aeon Mall kỳ vọng sẽ tái hiện thành công mô hình tương tự đã được triển khai tại Nhật Bản. Công ty cho biết, đây là một dịch vụ logistics chưa phổ biến tại Việt Nam. Indo Trans Logistics (ITL)- doanh nghiệp có một phần sở hữu của Mitsubishi Logistics Nhật Bản, sẽ hợp tác trong dự án này.
Chuỗi logistics này sẽ tập trung vào các mặt hàng như thực phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường, quần áo và đồ gia dụng. Aeon Mall tận dụng đội xe của ITL để rút ngắn thời gian giao hàng xuống còn 19 giờ, thay vì vài ngày như hiện nay, đối với khoảng cách 1.700 km từ Hà Nội và TP HCM.
Aeon Mall dự kiến sử dụng dịch vụ logistics chung này như một yếu tố hấp dẫn để thu hút khách thuê. “Chúng tôi nhận được rất nhiều phản hồi rằng họ không thể mở cửa hàng vì không thể vận chuyển hàng hóa, hoặc yêu cầu giảm giá thuê do chi phí logistics quá cao”, ông Yohei Takabayashi, người đứng đầu bộ phận logistics của Aeon Mall cho biết.
Aeon Mall cũng đang xem xét triển khai dịch vụ logistics chuỗi lạnh mới dành cho các cửa hàng chuyên biệt trong trung tâm mua sắm. Tập đoàn hiện đang xây dựng mạng lưới như vậy cho các siêu thị tại Việt Nam.
Việc phát triển chuỗi lạnh tại Việt Nam đang tiến triển tốt, nhưng “vẫn có những trường hợp chuỗi quản lý nhiệt độ bị gián đoạn do sử dụng xe tải thông thường trong mạng lưới logistics,” đại diện một nhà bán lẻ cho biết.
Aeon, công ty mẹ của và cũng là nhà bán lẻ lớn nhất Nhật Bản, đặt mục tiêu đạt 25% lợi nhuận hoạt động từ thị trường nước ngoài theo kế hoạch kinh doanh trung hạn đến năm tài chính kết thúc vào tháng 2/2026. Tỷ lệ này đã đạt 22,5% trong năm tài chính trước, và Việt Nam được coi là một thị trường trọng điểm trong chiến lược chung của tập đoàn.
Kể từ khi mở trung tâm mua sắm đầu tiên tại TP HCM vào năm 2014, đến nay Aeon Mall đã trở thành một tên tuổi lớn tại Việt Nam, với khoảng 270 cửa hàng, bao gồm trung tâm mua sắm và siêu thị. Tuy nhiên, họ đang đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng lớn.
Vincom Retail sở hữu hơn 80 trung tâm mua sắm trên cả nước, phần nhiều trong số đó nằm ở vị trí đắc địa. Central Retail của Thái Lan đã mở rộng mạng lưới trung tâm mua sắm tại Việt Nam lên 39 địa điểm và là một trong những thương hiệu nước ngoài nổi bật nhất hiện diện ở bên ngoài các thành phố lớn. Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc cũng đang tăng cường hiện diện với việc khai trương khu phức hợp lớn tại Hà Nội.
Dân số đông và trẻ của Việt Nam – gần 100 triệu người với độ tuổi trung bình 33 – cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế 5% trong năm 2023, biến Việt Nam trở thành một thị trường đầy hứa hẹn.
“Việt Nam là một thị trường lớn”, Chủ tịch Aeon Mall, ông Keiji Ohno, nhận định. “Chúng tôi có thể mở rộng số lượng trung tâm mua sắm gấp đôi hoặc hơn so với hiện tại”.
Gần nhất, tại cuộc gặp Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn tại Tokyo sáng 4/12, ông Keiji Ohno cũng đã khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam, đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục được Việt Nam tạo các điều kiện lợi nhuận trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ủng hộ chiến lược mở rộng kinh doanh tại Việt Nam của tập đoàn bán lẻ Nhật Bản và cho biết nhiều địa phương sẵn sàng cùng Aeon Mall phát triển các trung tâm thương mại.
Đỗ Kiều