Lượng ngô nhập khẩu tăng đều qua các tháng trong nửa đầu năm 2024, với mức tăng nổi bật trong tháng 5 và tháng 7, lần lượt là 89% và 49% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, tháng 1 và tháng 2 là hai tháng ghi nhận lượng ngô nhập khẩu lớn nhất, vượt ngưỡng 900.000 tấn mỗi tháng.
Riêng tháng 7/2024, Việt Nam đã nhập khẩu 892.238 tấn ngô, trị giá 214,5 triệu USD với giá trung bình 240,4 USD/tấn. So với tháng 6, lượng ngô nhập khẩu tăng 36,4%, kim ngạch tăng 35,3%, nhưng giá giảm nhẹ 0,8%. Khi so sánh với tháng 7/2023, lượng ngô tăng mạnh 49,4%, kim ngạch tăng 21,2%, trong khi giá giảm 18,9%.
Trong 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu 5,74 triệu tấn ngô từ các thị trường quốc tế, với tổng trị giá 1,43 tỷ USD. |
Xét về thị trường, Argentina tiếp tục là nguồn cung cấp ngô lớn nhất cho Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2024, chiếm 55,5% tổng lượng nhập khẩu và 54% tổng kim ngạch. Việt Nam đã nhập khẩu gần 3,19 triệu tấn ngô từ Argentina, với trị giá hơn 772,29 triệu USD, mức giá trung bình 242,4 USD/tấn. So với cùng kỳ năm trước, lượng ngô nhập khẩu từ Argentina tăng 130,3%, kim ngạch tăng 70,9%, nhưng giá lại giảm 25,8%.
Brazil là nhà cung cấp ngô lớn thứ hai cho Việt Nam, với hơn 1,57 triệu tấn ngô nhập khẩu, trị giá 402,69 triệu USD, chiếm 27,4% tổng lượng và 28,2% tổng kim ngạch. Mặc dù lượng ngô từ Brazil tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch lại giảm 12,4% do giá ngô giảm 23,2%, chỉ còn 256 USD/tấn.
Ngoài hai nguồn cung lớn kể trên, Việt Nam cũng nhập khẩu ngô từ các quốc gia ASEAN như Lào và Thái Lan. Trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam nhập 74.589 tấn ngô từ Lào, tăng 23,4% về lượng, nhưng kim ngạch giảm 11,8% do giá ngô giảm sâu 28%, còn 249,9 USD/tấn. Ngược lại, nhập khẩu ngô từ Thái Lan lại giảm 27% về lượng và 25% về kim ngạch, chỉ đạt 3.410 tấn và 12 triệu USD. Mặc dù vậy, giá ngô từ Thái Lan vẫn đứng ở mức cao nhất trong số các thị trường chính, đạt 3.543 USD/tấn, tăng nhẹ 2% so với năm trước.
Đáng lưu ý, lượng ngô nhập khẩu từ Ấn Độ giảm mạnh trong giai đoạn này, chỉ đạt 2.561 tấn với trị giá 6,8 triệu USD, giảm 99,7% về lượng và 98% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá ngô nhập khẩu trung bình từ Ấn Độ lại tăng đột biến, từ 310 USD/tấn lên 2.673 USD/tấn, cao gấp 8,6 lần so với cùng kỳ năm trước.
Việc nhập khẩu ngô với số lượng lớn không chỉ tạo ra áp lực lên cán cân thương mại mà còn đặt ra nhiều thách thức về an ninh lương thực và sự bền vững trong sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu của việc tăng cường nhập khẩu là do sản lượng ngô trong nước không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng, đặc biệt là từ ngành chăn nuôi và sản xuất thức ăn gia súc.
Trong những năm qua, diện tích trồng ngô tại Việt Nam đã giảm sút do nhiều nông dân chuyển sang các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn, như trái cây và rau màu. Điều này khiến cho Việt Nam phải phụ thuộc ngày càng nhiều vào ngô nhập khẩu để bù đắp thiếu hụt nguồn cung trong nước.
Ngoài ra, chất lượng ngô trong nước cũng là một vấn đề đáng quan tâm khi năng suất canh tác vẫn còn thấp và chưa đạt được tiêu chuẩn như các giống ngô nhập khẩu. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất mà còn làm giảm khả năng cạnh tranh của ngô Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Để giảm bớt sự phụ thuộc vào ngô nhập khẩu, giới chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần có những biện pháp cụ thể để thúc đẩy sản xuất ngô trong nước. Trước hết, cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các giống ngô có năng suất cao, kháng bệnh tốt và phù hợp với điều kiện khí hậu từng vùng miền. Bên cạnh đó, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác cũng là yếu tố quan trọng giúp nâng cao năng suất và chất lượng ngô.
Đồng thời, các chính sách hỗ trợ người nông dân trong việc tiếp cận nguồn vốn, công nghệ và thị trường cũng cần được chú trọng. Chính phủ cần khuyến khích người nông dân quay trở lại trồng ngô thông qua các chương trình hỗ trợ giá, đào tạo kỹ thuật canh tác và mở rộng thị trường tiêu thụ ngô trong nước.
Việc xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ ngô cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định nguồn cung và giá cả. Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cần hợp tác chặt chẽ với nông dân để đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn, đồng thời hỗ trợ tiêu thụ ngô trong nước.
Lê Hồng