Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 5 tháng đầu năm đã tăng cao đáng kể, nhờ sự gia tăng của hầu hết các nhóm hàng nông, lâm, thủy sản.
Cụ thể, nông sản đạt 13,11 tỷ USD, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm trước; lâm sản đạt 6,58 tỷ USD, tăng 22,7%; thủy sản đạt 3,5 tỷ USD, tăng 3,6%; và chăn nuôi đạt 199 triệu USD, tăng 5,6%.
Nông sản vẫn tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đóng góp phần lớn vào tổng kim ngạch. Các sản phẩm như gạo, cà phê, cao su, trái cây... đã khẳng định được vị thế của mình trên thị trường quốc tế, với chất lượng ngày càng được cải thiện và giá cả cạnh tranh.
5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng cao, ước đạt 24,14 tỷ USD, tăng trưởng 21% (so với cùng kỳ năm ngoái). |
Đáng chú ý, trong 5 tháng qua, nhiều loại nông sản xuất khẩu đã có sự gia tăng giá trị rất mạnh so với cùng kỳ năm trước. Gạo có giá xuất khẩu bình quân đạt 638 USD/tấn, tăng 20,5%; cà phê đạt giá xuất khẩu bình quân 3.482 USD/tấn, tăng 49,9%; cao su đạt 1.504 USD/tấn, tăng 8,8%; và hạt tiêu đạt 4.308 USD/tấn, tăng 39,3%.
Về giá trị xuất khẩu, hầu hết các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực đều cao hơn cùng kỳ năm trước như: cà phê đạt 2,9 tỷ USD, tăng 44,1% dù lượng xuất khẩu giảm 3,9% xuống còn 833 nghìn tấn; gạo đạt 2,65 tỷ USD, tăng 38,2% với lượng 4,15 triệu tấn, tăng 14,7%; điều đạt 1,55 tỷ USD, tăng 19,3% với lượng 288 nghìn tấn, tăng 30,6%; rau quả đạt 2,59 tỷ USD, tăng 28,1%; và tôm đạt 1,3 tỷ USD, tăng 7,5%.
Bên cạnh đó, ngành lâm nghiệp cũng ghi nhận những kết quả khả quan, đặc biệt là xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ. Với nguồn tài nguyên rừng phong phú và sự đầu tư vào công nghệ chế biến, ngành lâm nghiệp không chỉ đáp ứng được nhu cầu trong nước mà còn mở rộng ra các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản. Cụ thể, gỗ và các sản phẩm từ gỗ đạt giá trị xuất khẩu 6,14 tỷ USD, tăng 23,6%.
Các chuyên gia đánh giá, việc đạt được kim ngạch xuất khẩu cao như vậy cũng là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra, bao gồm cả việc chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, phát triển đa ngành và tích hợp đa giá trị trong các sản phẩm nông, lâm, thủy sản.
Điều này cũng cho thấy hiệu quả của các chính sách và giải pháp mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các địa phương đã triển khai trong thời gian qua. Các biện pháp khơi thông thị trường, ký kết các đơn hàng mới và nâng cao chất lượng sản phẩm đã giúp tăng cường xuất khẩu.
Có thể nói, sự tăng trưởng này phản ánh sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, những chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu.
Lê Hồng