Thông tin từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sắt thép của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2024 đã đạt được những kết quả tích cực về lượng, nhưng giá trị xuất khẩu vẫn gặp khó khăn do giá giảm. Cụ thể, giá sắt thép xuất khẩu trung bình lũy kế từ đầu năm 2024 đến ngày 15/8 giảm 5,6% so với cùng kỳ năm trước, còn 732,9 USD/tấn. Điều này đã ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu, dù lượng sắt thép xuất khẩu tăng 13% nhưng kim ngạch chỉ đạt 5,9 tỷ USD.
Trong các tháng đầu năm, ngoại trừ tháng 2 và tháng 6, lượng xuất khẩu sắt thép luôn duy trì ở mức cao, với hầu hết các tháng đều đạt trên một triệu tấn. Riêng 15 ngày đầu tháng 8/2024, lượng sắt thép xuất khẩu đạt 531.780 tấn.
Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu sắt thép lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2024 với 1,11 triệu tấn, tăng mạnh 89% so với cùng kỳ năm trước. |
Đáng chú ý, Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu sắt thép lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2024 với 1,11 triệu tấn, tăng mạnh 89% so với cùng kỳ năm trước, đạt kim ngạch 923 triệu USD, tăng 91,3%. Italy là thị trường lớn thứ hai với 922.692 tấn, nhưng lại giảm 12% so với cùng kỳ, với kim ngạch giảm 23,9% xuống còn 578 triệu USD. Campuchia đứng thứ ba với 674.948 tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ, đạt kim ngạch 427 triệu USD, nhưng giảm 6% về giá trị.
Ngoài ra, trong khối ASEAN, Việt Nam còn xuất khẩu sắt thép sang 5 thị trường khác. Bao gồm, xuất khẩu sắt thép sang Malaysia với 499.485 tấn; Indonesia với 356.492 tấn; Singapore với 157.214 tấn; Philippines với 144.962 tấn và Thái Lan với 103.843 tấn...
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng dự báo tích cực về ngành, với dự kiến mức tiêu thụ thép tăng 6,4% đạt gần 21,6 triệu tấn. Bên cạnh đó, dự kiến xuất khẩu thép thành phẩm và bán thành phẩm sẽ tăng 12%, lên gần 13 triệu tấn.
Đặt trong khuôn khổ kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6 - 6,5% trong năm nay, mục tiêu này còn được củng cố bởi dự báo nhu cầu thép toàn cầu tăng 1,9%, đạt 1,8 tỷ tấn, trong đó nhu cầu thép tại khu vực ASEAN dự kiến sẽ tăng 5,2%.
Hồng Hương