Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Cơ quan Thanh tra và An toàn thực phẩm Mỹ (FSIS) vừa công nhận thêm 6 nhà máy chế biến cá tra của Việt Nam được phép chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá tra sang thị trường Mỹ. Lũy kế đến nay, FSIS đã công nhận 19 nhà máy trong danh sách này.
Đến nay đã có 19 nhà máy chế biến cá tra của Việt Nam được phép xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Mỹ (Ảnh: Int) |
Nhận được thông báo từ FSIS, Cục Quản lý nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) thuộc Bộ NN&PTNT cũng đã gửi công văn tới các doanh nghiệp thông báo cho 6 nhà máy mới được bổ sung vào danh sách, là các nhà máy có mã số DL 408, DL 816, DL 888, DL 916, DL 943 và TS 894.
Trong đó, NAFIQAD lưu ý các nhà máy tuân thủ các quy định tại Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm cá và sản phẩm cá bộ Siluriformes (cá da trơn) xuất khẩu sang Mỹ ban hành tại Quyết định số 1802/QĐ-BNN-QLCL ngày 22/5/2020 và hướng dẫn tại Công văn số 803/QLCL-CL1 ngày 18/6/2020, bảo đảm toàn bộ chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra đáp ứng đầy đủ các quy định của cả Việt Nam và Mỹ.
Đáng chú ý, Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 4 và vùng 6 sẽ thực hiện thẩm định, cấp chứng thư cho các lô hàng cá tra xuất khẩu của các nhà máy trên đi thị trường Mỹ theo đúng thông báo của FSIS.
Các chuyên gia đánh giá, sản lượng cá da trơn của Mỹ giảm, lạm phát cao, thuế chống bán phá giá giai đoạn POR17 có lợi cho nhiều doanh nghiệp cá tra, giá xuất khẩu cá tra trung bình sang Mỹ đạt đỉnh… là những yếu tố chính khiến cho xuất khẩu cá tra sang Mỹ 4 tháng đầu năm nay tăng mạnh.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, trong 4 tháng đầu năm 2022, Mỹ là thị trường lớn thứ hai về nhập khẩu cá tra của Việt Nam, đạt hơn 232 triệu USD, tăng 128%, chiếm 24,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra trên 950 triệu USD.
VASEP nhận định, với việc thêm 6 nhà máy được vào danh sách chế biến, xuất khẩu cá tra sang Mỹ sẽ giúp xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường này tăng thêm trong thời gian tới.
Minh Đức