Riêng tháng 11 vừa qua, Việt Nam đón trên 1,23 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 11% so với tháng trước. Đây cũng là tháng đón lượng khách quốc tế cao nhất từ đầu năm nay.
Theo Cục Du lịch quốc gia, Hàn Quốc vẫn duy trì vị thế là thị trường du lịch lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng với 3,2 triệu lượt khách, chiếm 28,5%. Tiếp theo là Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) lượng khách tiếp tục duy trì mức tăng trưởng gần 10%. Trong khi đó, Thái Lan, Malaysia và Campuchia; Anh, Pháp và Đức lần lượt là những thị trường dẫn đầu của khu vực Đông Nam Á và châu Âu.
Đặc biệt, tháng 11/2023, lượng khách châu Âu chứng kiến mức tăng trưởng mạnh nhất trong số các châu lục cụ thể: Thụy Điển (tăng 85%), Pháp (tăng 73%), Bỉ (tăng 71%), Italy (tăng 55%), Na Uy (tăng 53%) …
Khách quốc tế đến Việt Nam tăng gần 11% trong tháng 11. |
Lượng khách du lịch nội địa tháng 11 ước đạt 4,5 triệu lượt, trong đó có khoảng 3 triệu lượt khách có lưu trú. Tổng lượng khách 11 tháng đầu năm đạt 103,2 triệu lượt.
Đặc biệt, đón đầu xu hướng phát triển du lịch xanh trên thế giới, ngành Du lịch Việt Nam đã có những giải pháp phát triển theo hướng xanh hóa nhằm tạo ra sản phẩm du lịch mới đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Trên thực tế, xu hướng tiêu dùng xanh, bền vững không chỉ phổ biến trong cộng đồng khách quốc tế mà đang dần trở thành thói quen của du khách Việt Nam. Theo khảo sát của nền tảng Booking.com, có tới 88% số du khách nội địa cho hay dịch Covid-19 đã thúc đẩy họ muốn đi du lịch theo cách bền vững.
Kết quả trong thu hút du khách quốc tế là một trong những thành công của Việt Nam sau khi đại dịch Covid-19 đi qua. Tuy nhiên, việc nâng trao trải nghiệm để giữ chân du khách lại là một bài toán không dễ đối với những người trong ngành.
Theo Báo cáo của Ủy ban châu Âu về hành vi tiêu dùng của du khách được thực hiện năm 2020, có tới 82% số dân Liên minh châu Âu (EU) cho biết có thể thay đổi thói quen để bảo đảm tính bền vững của du lịch; 48% sẵn sàng giảm rác thải khi đi du lịch; thậm chí chấp nhận trả thêm phí để bảo vệ môi trường thiên nhiên (35%) hoặc để mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương (33%).
Ngày càng có nhiều du khách quốc tế quan tâm và lựa chọn những hoạt động du lịch ngoài trời tại Việt Nam như: Đi bộ, leo núi, bơi lội..., vừa được thưởng thức thiên nhiên, vừa được nâng cao sức khỏe, góp phần giảm những tác động có hại đến tài nguyên thiên nhiên.
Trước đó, tại Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 về Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì hai nhóm nhiệm vụ là “Hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững” và “Ưu tiên phát triển các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh (du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và nông thôn, du lịch nghỉ dưỡng biển đảo gắn với phát triển kinh tế biển xanh, du lịch thể thao mạo hiểm bảo đảm các tiêu chuẩn, tiêu chí xanh...), phát triển sản phẩm du lịch xanh”.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng đã xác định phát triển du lịch Việt Nam với định hướng bền vững và bao trùm trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững.
Nguyễn Hạnh