Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, đổi mới công nghệ trong ngành nông nghiệp đã đóng góp đến 35% tăng trưởng ngành trong thời gian qua khi các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng khác là lực lượng lao động và quỹ đất ngày một giảm đi, đặc biệt là trong ngành sản xuất lúa gạo.
Việc ứng dụng và đổi mới công nghệ đã đưa lúa gạo nước ta không những bảo đảm an ninh lương thực trong nước, mà còn ở trong top 3 các nước XK hàng đầu thế giới trong nhiều năm qua.
Quy mô nhỏ lẻ
Phản ánh về nền sản xuất lúa gạo Việt Nam hiện nay, Ts. Đào Thế Anh - Phó viện trưởng Viện Cây lương thực và cây thực phẩm, cho biết năng suất lúa của Việt Nam đạt bình quân 5,8 tấn/ha, ở mức cao so với các quốc gia XK gạo chính như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan.
Tuy nhiên, tốc độ tăng năng suất đang có xu hướng giảm dần, giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng trưởng đạt mức thấp nhất, chỉ đạt 1,04%/năm. Không những vậy, sản xuất lúa gạo của Việt Nam hiện vẫn ở quy mô nhỏ lẻ với 85% nông hộ có diện tích lúa dưới 0,5 ha, trong khi chỉ có 13% nông hộ tại khu vực ĐBSCL có diện tích từ 2 ha trở lên, kém hơn nhiều so với mức bình quân 3,6 ha của “đối thủ” Thái Lan.
Năm 2015, XK gạo Việt Nam đứng thứ 3 thế giới (chiếm 18,3% thị phần). Năm 2015, sản lượng XK đạt 6,56 triệu tấn, giá trị XK đạt 2,68 tỷ USD Mỹ, giá XK bình quân 408 USD/tấn. Mặc dù sản lượng XK tăng so với cùng kỳ tuy nhiên giá trị XK giảm từ 2,93 tỷ xuống 2,68 tỷ do giá XK giảm. XK gạo Việt Nam vẫn chủ yếu trung bình và cấp thấp. Châu Á chiếm 74%.
Những năm gần đây, phân khúc gạo cao cấp đang có xu hướng tăng. Gạo thơm và gạo trắng cao cấp năm 2015 tăng 27,8% so với năm 2014.
Dự báo về triển vọng XK và xu hướng phân cấp chất lượng gạo Việt Nam của FAO cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2015 - 2023 thương mại toàn cầu tăng 15%/năm. NK gạo châu Phi, Trung Đông, Indonesia, Trung Quốc tiếp tục tăng. Đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam là Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan. Nhu cầu gạo chất lượng tăng: gạo thơm, japonica, gạo trắng, hạt dài, gạo đỏ, gạo thảo dược… Điều này đòi hỏi phải nâng chất hàng hóa XK, chọn tạo giống lúa chất lượng.
“Thay áo” công nghệ, nâng sức cạnh tranh cho lúa gạo
Cơ chế gắn kết khoa học và DN
Theo đánh giá chung, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong đổi mới và tiếp cận công nghệ sản xuất, lai tạo giống, nhưng các giống lúa mới của Việt Nam tạo ra phần lớn không đạt chất lượng và đưa vào sản xuất rất ít, khó kiểm soát được chất lượng giống trong sản xuất. Đặc biệt, tỷ trọng XK gạo từ các giống lúa chất lượng cao vẫn còn thấp và thậm chí chưa có giống lúa XK mang thương hiệu Việt Nam. Năng lực công nghệ trong ngành chọn tạo giống lúa của Việt Nam bằng 46% so với thế giới.
Hiện, khả năng đáp ứng nhu cầu giống lúa thuần của Việt Nam là 100%, trong khi đó, khả năng đáp ứng nhu cầu giống lúa lai mới chỉ đạt 33%, còn lại phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ với giá trị NK xấp xỉ 35 triệu USD hàng năm. Muốn nâng cao sức cạnh tranh cho lúa gạo Việt Nam, thời gian tới cần tạo ra giống có chất lượng tốt, năng suất cao, chống chịu với những yếu tố bất lợi như rầy nâu, đạo ôn, bạc lá, virus, hạn mặn, ngập.
Gs.Ts.Trần Duy Quý, chuyên gia nông nghiệp - cho biết để chọn tạo giống lúa mới, cần nhất là các yếu tố công nghệ và kinh nghiệm. Tuy nhiên, hiện nay ngành chọn tạo lúa giống của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa trên công nghệ truyền thống (lai tạo) là chính, trong khi chưa phát huy được vai trò của các công nghệ mới như: công nghệ tế bào, công nghệ gen, công nghệ chỉ thị phân tử để tạo được giống lúa.
Cùng với đó, các DN, viện, trường lại chưa có sự liên kết chặt chẽ và kế thừa các khâu, đặc biệt là đối với các nhánh công nghệ mới nên chưa thể tạo được giống lúa đạt chuẩn quốc gia, tương đương với các giống lúa của một số quốc gia trong khu vực và thế giới.
Việt Nam hoàn toàn làm chủ được các công nghệ sản xuất giống lúa. Tuy nhiên cần phải xây dựng cho được bản đồ và lộ trình đổi mới công nghệ theo hướng cải tạo một số giống lúa có phẩm cấp, năng suất cao (6 – 7 tấn/ha, giá XK 600 – 800 USD/tấn) như gạo trắng, gạo thơm phục vụ XK. Cần tăng cường đánh giá và giải mã nguồn gen lúa bản địa Việt Nam với quy mô 2.000 – 3.000 giống với các đặc tính: năng suất cao, chống chịu hạn , mặn và biến đổi khí hậu cũng như kháng được các loại sâu bệnh. Nhà nước cần có cơ chế đặc thù để các DN hợp tác cùng các cơ sở nghiên cứu công lập trong việc khai thác nguồn gen, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, đặc biệt là phải gắn hoạt động của các chuyên gia lai tạo giống với các DN để chủ động nguồn vốn và đầu ra cho nghiên cứu.
Thu Hường