Khi nhu cầu vé giá rẻ của khách hàng tăng lên cũng là lúc các đối tượng “cò” vé, các đại lý vé “ma” bắt đầu lộng hành. Các cuộc đua tìm kiếm vé giá rẻ chủ yếu diễn ra trên mạng. Với những thủ đoạn tinh vi, cộng với tâm lý chủ quan, ham rẻ, nhiều khách hàng đã mất tiền oan vì mua phải vé giá rẻ “ảo”, thậm chí là vé giả với giá cao.
Đủ chiêu lừa vé giá rẻ
Nguy cơ lớn nhất của hành khách khi đi máy bay hiện nay là sự lộng hành của các đại lý vé “ma”. Các đại lý phân phối vé máy bay mọc lên nhan nhản khiến người dân như lạc vào “ma trận”, tạo cơ hội cho các đại lý vé “ma” lừa đảo, “móc túi” hành khách.
Anh Hoàng Khánh Trường (30 tuổi, ở Ba Đình, Hà Nội), một hành khách từng phải trả giá cho sự chủ quan khi mua vé giá rẻ, chia sẻ: “Sau Tết, tôi có việc phải vào Tp. HCM, vì vậy đã tìm và đặt mua một vé bay giá rẻ tại một đại lý có địa chỉ website http://hangkhonggiare.com/hangkhonggiare.com. Tôi nhận được một vé điện tử qua e-mail và được hướng dẫn chỉ cần in vé mang ra sân bay làm thủ tục là xong. Tuy nhiên, khi ra sân bay làm thủ tục, nhân viên hàng không thông báo vé không hợp lệ. Tôi đành ngậm ngùi bỏ tiền mua vé mới, mất thêm gần nửa ngày mới có thể bay”.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, chị Đỗ Thị Minh Thu (Cầu Giấy, Hà Nội), kể lại: “Tôi đặt vé trên mạng, đã cẩn thận kiểm tra thông tin, số ghế, ngày giờ khởi hành,… rồi mới chuyển tiền. Nhưng khi đến sân bay, nhân viên hàng không kiểm tra mới phát hiện vé không có thông tin trên hệ thống. Sau khi khiếu nại, nhân viên cho biết thủ đoạn của đại lý “ma” là sau khi lấy được thông tin từ khách hàng, chúng chuyển yêu cầu đến các hãng hàng không chính thức, nhưng chỉ để giữ chỗ, lấy thông tin gửi đến khách hàng”.
Bên cạnh đó, “cò” vé cũng luôn là nỗi ám ảnh không chỉ của khách hàng mà của cả các hãng hàng không. Chiêu thức phổ biến nhất các đối tượng “cò” vé áp dụng là giả danh hành khách không còn nhu cầu nên muốn chuyển nhượng lại vé để “lấy lại vốn”.
Những tấm vé được rao bán là có thật với thông tin rõ ràng tại các hãng hàng không, nhưng khi đến tay khách hàng thì lại là giả. Một tấm vé với cái tên phổ thông có thể được “cò” vé rao bán cho nhiều người cùng lúc.
Một chiêu thức phổ biến khác của các đối tượng lừa đảo là vẫn đặt mua vé thật cho khách hàng, nhưng sau khi đã nhận được tiền từ khách, chúng lập tức tiến hành các thủ tục hoàn vé và biến mất. Sau khi trừ khoản phí hoàn vé, các đối tượng bất chính vẫn có được số tiền không nhỏ.
![]() |
Hành khách cần thận trọng để không sập bẫy khi ‘săn’ vé máy bay giá rẻ
Lữ khách thận trọng
Rõ ràng, để chiến thắng trong cuộc đua “săn” vé giá rẻ, khách hàng không chỉ cần thành thục các bước đặt vé, sự may mắn, mà còn cần sự tỉnh táo, tuyệt đối không chủ quan để tránh rơi vào “bẫy” của các đối tượng bất chính._
Một nguyên nhân dẫn đến tình trạng lừa đảo gia tăng là do những kẽ hở trong trong chính sách bán vé của các hãng hàng không. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là sự thiếu tỉnh táo của người mua vé.
Để tránh rủi ro, anh Phan Thanh Hưng – Nhân viên hàng không hãng VietnamAirlines, cho rằng: “Các hành khách nên chọn mua vé tại các đại lý chính hãng, có địa chỉ rõ ràng trên website chính thức. Khi mua vé tại các đại lý bán hàng, cần nhanh chóng gọi điện đến hãng hàng không để kiểm tra các thông tin, code vé,… Đồng thời, khách hàng cần giữ cẩn thận phiếu thu, hóa đơn để bảo vệ quyền lợi khi xảy ra sự cố.
Ngoài việc tỉnh táo để tránh bị lừa đảo, khách hàng cũng cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để mua vé đúng cách. Vé giá rẻ thường có hình thức thanh toán là chuyển khoản, vì vậy khách hàng cần nắm rõ thủ tục, số tiền trong tài khoản để tránh lỗi “trừ tiền mà không nhận được vé”. Người dân cũng cần cân nhắc kỹ bởi các chuyến bay giá rẻ thường xuất phát vào các thời điểm không thuận lợi (nửa đêm, sáng sớm..).
Rõ ràng, khi các chính sách bảo vệ khách hàng còn nhiều lỗ hổng, người dân cần tự trang bị kiến thức và sự tỉnh táo để tự bảo vệ mình. “Hành khách nên cảnh giác trước những lời chào mời hấp dẫn bất thường trên mạng, không tham cái lợi trước mắt để mắc lừa. Kiểm tra, xác minh thật rõ ràng và cân nhắc thật kỹ lưỡng khi mua vé giá rẻ trên mạng”, ông Lại Xuân Thanh – Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam, khuyến cáo.
Hiến Nguyễn