Quyết định điều tra áp dụng thuế tự vệ với DAP nhập khẩu vào Việt Nam vốn được ban hành từ ngày 12/5/2017. Đến ngày 4/8/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định 3044/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời (1.855.790 đồng/tấn) đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP nhập khẩu vào Việt Nam.
“Bơm” nguyên liệu cho đối thủ
Với thời hạn tối đa 200 ngày kể từ khi có hiệu lực, thuế tự vệ tạm thời sẽ chấm dứt sau ngày 6/3/2018. Tuy nhiên, sau ngày 12/1/2018, khi quá trình điều tra, nếu Bộ Công Thương quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức, các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục kéo dài.
Kịch bản trên được “vẽ” và được mong đợi bởi hai nhà sản xuất trong nước là DAP Đình Vũ (Hải Phòng) và DAP Lào Cai – cả hai doanh nghiệp đều trực thuộc tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem), đơn vị thuộc quyền quản lý của Bộ Công Thương.
DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai là hai doanh nghiệp sản xuất phân bón DAP có công suất thiết kể đảm bảo cung ứng khoảng 80% nhu cầu loại phân bón này của cả nước.
Song, cả hai doanh nghiệp này lại đang thua lỗ nặng, và trở thành 2 trong số 12 dự án thua lỗ kéo dài của ngành Công thương. Lý do thua lỗ, theo hai doanh nghiệp này là không cạnh tranh được với phân bón cùng loại nhập khẩu có dấu hiệu bán phá giá, hoặc được trợ giá.
Thông tin bổ sung cần lưu ý, DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai là hai nhà sản xuất phân bón DAP bằng công nghệ chế biến quặng apatit đã qua chế biến hàm lượng cao (33 – 35%), được mua từ chính các thành viên Vinachem để sản xuất.
Theo Ts.Nguyễn Huy Phiêu, quá trình sản xuất phân bón DAP (Diamoni Photphat) có hai giai đoạn, gồm sản xuất axit photphonic và sản xuất DAP. Với tỷ lệ dinh dưỡng 61 – 64% trong DAP thành phẩm, cứ bình quân 2 tấn quặng apatit sẽ sản xuất được 1 tấn phân bón DAP.
Với giá quặng apatit hiện tại (1,1 – 1,4 triệu đồng/tấn), thật khó tin khi các nhà máy sản xuất phân DAP (có phân DAP thành phẩm giá dao động 10,5 – 11,6 triệu đồng/tấn) thua lỗ vì giá nguyên liệu tăng cao.
Đáng chú ý, dù các doanh nghiệp trong nước đang than giá quặng apatit đầu vào cao và ngày càng khan hiếm thì quặng apatit nghèo (hàm lượng dưới 32%) vẫn được xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc là nước xuất khẩu phân bón DAP lớn nhất vào Việt Nam và cạnh tranh trực tiếp với phân DAP Việt Nam.
Theo Tổng cục Hải quan, hiện mỗi ngày Việt Nam xuất gần 11.000 tấn quặng và khoáng sản sang Trung Quốc, chủ yếu vẫn là quặng nhôm, quặng sắt, apatit. Giá quặng xuất sang Trung Quốc thấp hơn rất nhiều so với giá xuất khẩu trung bình chung, 1 tấn quặng, khoáng sản xuất sang Trung Quốc chỉ đạt hơn 21,3 USD (tương ứng trên 500.000 đồng/tấn).
![]() |
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính khiến phân DAP Việt Nam không cạnh tranh nổi với phân DAP nhập khẩu, đặc biệt là phân DAP Trung Quốc, không phải vì giá nguyên liệu đầu vào, mà là do công nghệ kém và những bất cập trong luật thuế. Nhưng…
Nguyên liệu rẻ, vì sao lỗ?
Nhà máy DAP Đình Vũ (Hải Phòng) và DAP Lào Cai là 2 trong 12 dự án thua lỗ của Bộ Công Thương, dù đang được tái cơ cấu để giảm bớt lỗ, tránh lâm vào cảnh đóng cửa, nhưng tương lai còn mờ mịt.
Trong nửa đầu năm, tình hình kinh doanh của DAP Đình Vũ dù có tín hiệu cải thiện với doanh thu tăng 14,5%, đạt 920 tỷ đồng, nhưng vẫn lỗ 55 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/6/2017, DAP Đình Vũ đang có khoản lỗ lũy kế gần 521 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 944,6 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ ở mức hơn 1.461 tỷ đồng.
DAP Lào Cai thậm chí còn thảm hơn, khi không chỉ gặp khó từ thị trường phân bón dư cung, cạnh tranh với hàng nhập khẩu, mà còn từ suất đầu tư cao, sản phẩm hạn chế về chất lượng… nên càng sản xuất, hiệu quả kinh doanh càng kém. Năm 2015, công ty lỗ hơn 100 tỷ đồng, năm 2016 là trên 800 tỷ đồng.
Từ ngày 19/8/2017, thuế tự vệ tạm thời với phân bón DAP nhập khẩu đã được Bộ Công Thương áp tới 1,85 triệu đồng/tấn tưởng như sẽ là phao cứu sinh cho hai doanh nghiệp trên.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, thuế tự vệ chỉ là một trong rất nhiều giải pháp và cũng khó giúp hoạt động của hai nhà máy DAP Vinachem thoát khỏi khủng hoảng. Bản chất khó khăn của các nhà máy DAP là suất đầu tư lớn, đầu tư không hợp lý, từ lựa chọn địa điểm đến công nghệ… dẫn đến giá thành cao mà chất lượng không như kỳ vọng.
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, với công suất thiết kế khoảng 660.000 tấn DAP/năm, doanh nghiệp Việt cung cấp được khoảng 80% nhu cầu. Nhưng hiện nay, công nghệ sản xuất còn chưa tiên tiến, đồng bộ, nên khi sản xuất ra không đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế trên 62% hàm lượng dinh dưỡng, mà chỉ đạt dưới 60%.
Bên cạnh đó, tác động kéo dài của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế (Luật 71/2014/QH13) đã khiến các doanh nghiệp phân bón không còn được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, dẫn tới chi phí sản xuất tăng hàng trăm tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính khiến phân DAP Việt Nam không cạnh tranh nổi với phân DAP nhập khẩu, đặc biệt là phân DAP Trung Quốc, không phải vì giá nguyên liệu đầu vào, mà là do công nghệ kém và những bất cập trong luật thuế.
Ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cho rằng cần thực hiện hai giải pháp song song. Trong đó, vừa thực hiện giảm VAT về 0% và đồng thời hai nhà máy sản xuất DAP của Việt Nam phải nghiên cứu nâng chất lượng sản phẩm, như vậy, cả doanh nghiệp và người nông dân mới có lợi ích…
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến từ giới kinh doanh phân bón, rằng với lợi thế nguyên liệu trong nước, thị trường trong nước, việc hai nhà máy DAP Đình Vũ và Lào Cai báo lỗ chỉ là những chiêu “kỹ thuật” về kế toán.
Theo đó, cùng với việc ngăn dòng xuất khẩu quặng apatit, áp thuế tự vệ cao với DAP nhập khẩu, việc cổ phần hóa hai nhà sản xuất DAP này sẽ giúp một nhóm nhà đầu tư có điều kiện thống nhất thị trường sản xuất phân DAP Việt Nam, thông qua mua cổ phần tại nhà máy.
Giả thiết chỉ là giả thiết, vấn đề là hai nhà máy đang lỗ thực, và nhất định Bộ Công Thương sẽ phải xử lý hai “cục nợ” này, việc bán cổ phần chỉ là trước, hay sau khi cả hai nhà máy có lãi mà thôi.
Văn Nguyễn