Những ngày này, người tiêu dùng (NTD) khi đi mua sắm như lạc vào “ma trận” giảm giá, khuyến mãi, khi chỗ nào cũng treo biển tri ân khách hàng, hướng đến quyền lợi của NTD. Theo khảo sát, tại các cửa hàng thuộc một trung tâm thương mại lớn, giá các mặt hàng ở đây đều đa phần treo bảng khuyến mãi khủng, giảm từ 40 - 70%. Hay tại siêu thị thực phẩm, các mặt hàng khuyến mãi từ 30 - 50% rất nhiều, đa số là sản phẩm đông lạnh, thực phẩm... nếu mua nhiều, khách sẽ được chiết khấu thêm 3 - 5%.
“Khuyến mãi, giảm giá sốc”(!)
Nhiều khuyến mãi nhất phải kể đến các siêu thị điện máy, khi cuối năm là dịp thực hiện ồ ạt các chiến dịch đón lõng kỳ mua sắm. Giám đốc Marketing của một siêu thị điện máy lớn tại Hà Nội, cho biết trong 2 tháng cận Tết, siêu thị này mở 8 đợt khuyễn mãi khủng cho khách hàng, tính ra, mỗi tuần 1 khuyến mãi kiểu “sập” giá, “thủng” giá với bao nhiêu cơ hội cho khách hàng.
Theo một nhân viên bán hàng ở siêu thị điện máy lớn trên phố Phạm Văn Đồng, năm nay, siêu thị có những đợt tri ân khủng dành cho các khách hàng thân thiết dịp cuối năm, vì vậy, các mặt hàng như bếp sưởi, bình nóng lạnh, máy điều hòa, máy sấy tóc… đều được giảm giá rất sốc, 37 - 45%. “Các sản phẩm giảm giá chỉ có được vào cuối năm, nên khách hàng nhanh chóng mua vì số lượng có hạn”, nhân viên này cho biết.
Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ, không phải đến cuối năm các DN, các siêu thị, cửa hàng mới đẩy mạnh khuyến mãi, mà từ khoảng tháng 5, tháng 6, các DN đã bắt đầu chi mạnh cho khuyến mãi. Thậm chí là ngay sau Tết Nguyên đán, các DN đã bắt đầu chạy các chương trình này rồi.
Do vậy, đằng sau câu chuyện giảm giá, khuyến mãi khủng, nhiều NTD nếu không cẩn thận dễ dàng bị móc túi trắng trợn mà không hay. Trước tiên, đó là nâng giá niêm yết để giảm giá khuyến mãi. Minh chứng rõ nét nhất là chiếc lò vi sóng 20l NK từ Thái Lan, có giá bán tại một siêu thị điện máy là 1,4 triệu đồng đã giảm 37% so với mức giá niêm yết hơn 2,2 triệu đồng.
Tuy nhiên, nếu NTD chọn đúng mã, hãng sản phẩm để xem giá của các siêu thị, cửa hàng và giá nhà sản xuất khác bán cùng thời điểm mới té ngửa, giá không hề giảm với 37% như siêu thị đưa ra, mức giá bán dòng máy này trên thị trường hiện là trên 1,3 - 1,5 triệu đồng/chiếc, ngang bằng thậm chí thấp hơn so với mức giá đã giảm của siêu thị trên.
![]() |
NTD vẫn rất dễ bị kích thích bởi giảm giá, khuyến mãi
Người tiêu dùng “ăn quả lừa”
Chị Thanh Trà (Nam Từ Liêm, Hà Nội), cho biết: “Hôm vừa rồi nhìn thấy biển giảm giá lớn quá, nên gia đình tôi quyết định mua ngay chiếc máy giặt của hãng Electrolux tại siêu thị điện máy, với giá 9,8 triệu đồng (giảm so với giá niêm yết 2 triệu (giá gốc là 11,8 triệu đồng), đồng thời tặng thêm 1 năm nước giặt quần áo. Tưởng gặp may, nhưng ai ngờ chỉ hôm sau thôi, tôi đi qua một siêu thị điện máy khác, chiếc máy giặt này chỉ có giá gần 8 triệu đồng. Như vậy, hóa ra mình đã hớ”.
Không chỉ các siêu thị điện máy tự nâng giá sản phẩm rồi sử dụng chiêu trò khuyến mãi để giảm giá xuống mức giá bán bình thường. Rất nhiều cửa hàng bán quần áo, giày dép và siêu thị thực phẩm, bánh kẹo, cũng triệt để sử dụng phương thức này để thu hút người dân mua sắm.
Nhiều người cho biết với quần áo, giày dép và bánh kẹo thực phẩm… đa số các siêu thị làm khác mã sản phẩm, nên NTD khó có thể kiểm tra được giá niêm yết trước đó hoặc của cửa hàng, siêu thị khác bán ra để kiểm tra giá niêm yết và giá đã khuyến mãi xem có chênh lệch.
Bên cạnh chiêu thức tự nâng rồi hạ giá thành khuyến mãi khủng, cận Tết, nhiều hình thức bán hàng đi liền với khuyến mãi khủng như: hàng đồng giá lẻ, như: 1 triệu 999 đồng; mua hàng quay số trúng thưởng 100% trị giá từ 300.000 - 1 triệu đồng, tri ân khách hàng mua Một tặng Một giá không đổi….
Tuy nhiên, theo chị Vũ Linh (Hoàn Kiếm, Hà Nội), các chiêu khuyến mãi khủng, “sập giá” hay tặng quà cho khách hàng đang bị lạm dụng quá nhiều, dẫn đến nhàm chán, nghi ngờ từ NTD. Vì thế, đã từ lâu, chị Linh không còn quan tâm đến những mặt hàng giảm giá, khuyến mãi. Nếu cần mua những sản phẩm cho gia đình thường xuyên sử dụng, chị thường để ý đến giá sản phẩm đó, nếu có biến động giảm đột ngột so với trước thì ngừng mua ngay.
“Khi cần mua một thiết bị gia dụng cho gia đình, điều đầu tiên là thiết bị đó phải có mức giá phải chăng, phải đi tham khảo giá tại các cửa hàng, hoặc trên website để tìm được mức giá ưng nhất. Không vì quá rẻ rồi mua vào, sẽ có nguy cơ mua phải hàng kém chất lượng…”, chị Linh chia sẻ kinh nghiệm.
Song, thực tế phải thừa nhận là không phải khách mua hàng nào cũng có thời gian và cẩn trọng như Linh. Bởi theo thói quen, cứ nhìn thấy biển giảm giá, khuyến mãi - rất dễ kích thích, NTD hiếu kỳ vào xem và sau đó là mua.
Thy Lê