Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, kim ngạch xuất khẩu - hiện đóng góp một nửa vào nền kinh tế nước này - đã tăng 0,4% so với tháng trước đó lên 47,5 tỷ USD tháng 3/2013, sau khi giảm 8,6% tháng 2/2013.
Tháng 3/2013 là tháng có ít ngày làm việc hơn so với cùng thời điểm năm ngoái, song xuất khẩu vẫn tăng, trong đó xuất khẩu các thiết bị viễn thông (bao gồm cả điện thoại thông minh, màn hình tinh thể lỏng và chip điện tử) đã tăng 22,9%. Xuất khẩu dầu mỏ và các sản phẩm hóa dầu tăng lần lượt 3,9% và 8,1%, trong khi xuất khẩu ôtô, tàu thủy, các sản phẩm thép lại giảm lần lượt 10,4%; 12,5% và 13,2%.
Nhu cầu của các nước đang nổi tại châu Á đối với hàng hóa do Hàn Quốc sản xuất đã góp phần cho sự hồi phục của kinh tế Hàn Quốc.
Dự trữ ngoại tệ vẫn ở mức cao
Tháng 3/2013, xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc - đối tác thương mại số 1 của Hàn Quốc - đã tăng 6,2%; trong khi xuất khẩu của Hàn Quốc sang Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và Mỹ Latinh cũng tăng lần lượt 17,5% và 4%.
Xuất khẩu tăng trong khi nhập khẩu giảm 2% xuống 14,1 tỷ USD giúp Hàn Quốc đạt thặng dư thương mại tháng thứ 14 liên tiếp trong tháng 3/2013, với mức 3,4 tỷ USD.
Chuyên gia kinh tế Park Heechan thuộc Công ty chứng khoán Mirae Asset Securities tại Seoul dự báo xuất khẩu của Hàn Quốc sẽ tăng vượt mức 5% trong tháng 4/2013.
Cùng ngày, số liệu chính thức cho thấy hoạt động sản xuất tại Trung Quốc trong tháng 3/2013 đã tăng mạnh nhất trong gần một năm qua và đây là bằng chứng mới nhất cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có dấu hiệu được cải thiện.
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) vừa cho biết tính đến cuối tháng 3/2013, dự trữ ngoại tệ của nước này vẫn ở mức 327,41 tỷ USD, không thay đổi so với hồi tháng 2.
Trong đó, cổ phiếu và chứng khoán chiếm 296,12 tỷ USD, tiền gửi ngân hàng chiếm 20,41 tỷ USD, vàng thỏi chiếm 4,79 tỷ USD, quyền rút vốn đặc biệt (SDR) chiếm 3,41 tỷ USD, và tiền gửi tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế chiếm 2,67 tỷ USD.
Nguyên nhân khiến dự trữ ngoại tệ Hàn Quốc không có sự thay đổi nhiều là do các hoạt động quản lý giúp sinh lợi bù đắp cho sự sụt giảm trong việc chuyển đổi giá trị các tài sản không phải là USD.
Trong tháng trước, đồng euro đã giảm 2,4% so với đồng bạc xanh của Mỹ, trong khi đồng yên của Nhật giảm 2,1% so với đồng USD.
Tính tới cuối tháng 2/2013, Hàn Quốc xếp thứ 7 thế giới về lượng dự trữ ngoại tệ, sau Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Thụy Sĩ, vùng lãnh thổ Đài Loan và Brazil.
Nguồn dự trữ ngoại tệ Hàn Quốc đã đạt mức trên 300 tỷ USD kể từ tháng 4/2011. Mức này được coi là ngưỡng quan trọng để bảo vệ thị trường tài chính trong nước trước nguy cơ rút vốn của nước ngoài, do tình hình bất ổn tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và những rủi ro tại thị trường Eurozone bắt nguồn từ khủng hoảng tài chính tại Cyprus.
Theo Cơ quan Giám sát Tài chính (FSS), các nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 3/2013 đã bán 1.900 tỷ won (1,7 tỷ USD) cổ phiếu Hàn Quốc sau đợt mua vào hồi tháng 2.
Kinh tế tăng trưởng thấp
Tuy vậy, theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) công bố ngày 26/3, tăng trưởng kinh tế của nước này đã giảm xuống còn 2% trong năm 2012, do chi tiêu tiêu dùng và đầu tư của các công ty giảm trong khi nợ của các hộ gia đình khá cao và tốc độ hồi phục kinh tế chậm.
Đây là tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thấp nhất của Hàn Quốc trong 3 năm qua, kể từ mức 0,3% năm 2009 trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái. Năm 2011, tăng trưởng kinh tế của nước này đạt 3,7%.
Số liệu của BOK cho thấy tiêu dùng cá nhân tăng 1,7% trong năm 2012, so với mức tăng 2,4% năm 2011. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng năm 2012 giảm 1,9% và đầu tư xây dựng giảm 2,2%. Xuất khẩu, chiếm 50% GDP của Hàn Quốc, tăng 4,2% trong năm 2012, sau khi tăng 9,1% trong năm 2011.
BOK dự kiến tăng trưởng kinh tế trong năm 2013 ở mức 2,8%. Với lạm phát ở mức 1,4%, dưới mức dự kiến 2,5 - 3,5%, BOK dự tính giảm lãi suất vào cuối quý II nếu kinh tế còn khó khăn.
Thu Trang