Cụ thể, có tổng cộng hơn 2,1 tỷ cổ phiếu được chào bán lần này, trong đó có khoảng 2 tỷ là cổ phiếu quốc tế. Giá khởi điểm từ 2,2 USD - 2,5 USD/cổ phiếu. Goldman Sachs, Morgan Stanley và CLSA là các nhà đầu tư chung, điều phối toàn cầu, điều hành và quản lý chính của việc niêm yết cổ phiếu toàn cầu.
Dự kiến, nếu mức giá được thị trường chấp nhận rơi vào khoảng 19,50 đô la Hong Kong, tức khoảng 2,4 USD/cổ phiếu, Xiaomi sẽ thu về khoảng 5 tỷ USD. Con số này chưa giảm trừ chi phí bảo hiểm và chiết khấu cũng như các chi phí phát sinh trong lần phát hành cổ phiếu toàn cầu.
Xiaomi cho biết sẽ dành khoảng 30% cho R&D |
Xiaomi cho biết sẽ dành khoảng 30% cho nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như các nỗ lực khác trong việc phát triển các sản phẩm trọng yếu của Công ty, bao gồm: điện thoại di động, TV thông minh, máy tính xách tay, loa AI và router thông minh... Khoảng 30% dành cho đầu tư và mở rộng cũng như giữ vững sức mạnh hệ sinh thái của Công ty dành cho mảng mạng lưới vạn vật kết nối internet (IoT) và các sản phẩm phục vụ đời sống cũng như các dịch vụ internet di động, bao gồm trí thông minh nhân tạo (AI); khoảng 30% để mở rộng trên toàn cầu, bao gồm nhưng không giới hạn việc thuê các nhân sự nội địa ở các mảng kinh doanh và đầu tư vào các đối tác bán lẻ; và khoảng 10% dành cho đầu tư và những mục đích hợp tác thông thường khác.
Theo CNBC, năm ngoái, doanh thu của Xiaomi là 15,8 tỷ USD. Quý I/2018, công ty này xuất xưởng 28 triệu smartphone. Định giá công ty gần đây dao động ở mức 50 tỷ USD đến 80 tỷ USD.
Xiaomi được thành lập vào năm 2010 bởi một nhóm các kỹ sư và nhà thiết kế dưới sự lãnh đạo của ông Lei Jun. Công ty nổi tiếng bởi mô hình Triathlon xoay quanh 3 trục: phần cứng sáng tạo, chất lượng cao, các kênh bán lẻ hiệu quả để giảm giá thành và các dịch vụ internet đi kèm. Tháng 3/2018, Xiaomi đã có khoảng 190 triệu người dùng mỗi tháng (“MAU”) trên MIUI, hệ điều hành của hãng được phát triển dựa trên nền Android.
VT