Thông báo này được đưa ra sau khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) có quyết định Washington được áp thuế đối với hàng hóa trị giá 7,5 tỷ USD trong một vụ kiện kéo dài. Động thái này có thể châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương.
Đèn xanh là tiến hành
Danh sách mục tiêu đánh thuế của Mỹ, dự kiến có hiệu lực từ ngày 18/10, bao gồm máy bay Airbus cỡ lớn sản xuất tại Pháp, Anh, Đức và Tây Ban Nha với mức thuế suất 10%. Tuy nhiên, quyết định mới không áp dụng cho các bộ phận máy bay do EU sản xuất được sử dụng để lắp ráp Airbus và Boeing, nhằm tránh ảnh hưởng hoạt động sản xuất của Mỹ.
Rượu vang Pháp, ô liu Tây Ban Nha, rượu whisky, áo len và len Anh, hay cà phê Đức cũng là các đối tượng bị “ưu tiên” đánh thuế. Phô mai có xuất xứ từ hầu hết quốc gia EU bị áp thuế 25%, trong khi rượu vang và dầu ô liu Italia cùng với socola châu Âu được “tạm tha”.
“Cuối cùng, sau 15 năm kiện tụng, WTO đã xác nhận rằng Mỹ có quyền áp dụng các biện pháp đối kháng đối với các khoản trợ cấp bất hợp pháp của EU. Chúng tôi dự kiến sẽ đàm phán với EU nhằm giải quyết vấn đề này theo cách có lợi cho người lao động Mỹ”, đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho hay trong một tuyên bố.
Các trọng tài viên của WTO cho rằng Boeing đã thiệt hại doanh thu khoảng 7,5 tỷ USD mỗi năm và bị gián đoạn việc giao hàng một số dòng máy bay lớn do chịu ảnh hưởng từ các khoản vay ưu đãi của chính phủ châu Âu dành cho Airbus.
Quyết định này cho phép Washington “trả đũa” đối với lượng hàng hóa EU có giá trị tương đương, nhưng không được áp dụng đối với các dịch vụ tài chính của châu Âu.
Sự kiện này được cho là sẽ khiến châu Âu “ăn miếng trả miếng” bằng thuế nhập khẩu bổ sung đối với hàng hóa của Mỹ vào năm tới, với lý do Mỹ cũng trợ cấp cho Boeing.
Chính quyền Tổng thống Trump hiện đã yêu cầu WTO tổ chức một cuộc họp khẩn cấp, để chính thức phê chuẩn cho phép áp dụng chính sách thuế mới từ giữa tháng 10.
Đầu năm nay, các quan chức thương mại Mỹ đã đưa ra danh sách 25 tỷ USD hàng hóa châu Âu trong tầm ngắm đánh thuế, từ máy bay phản lực đến máy bay trực thăng, rượu vang, phô mai, rượu mạnh và xa xỉ phẩm. Hàng hóa từ các nước EU không tham gia sản xuất Airbus, ví dụ như Italia, cũng “chịu chung số phận”. Vì theo quan chức USTR, các quốc gia thuộc EU đều phải chịu trách nhiệm.
Áp thuế hàng loạt sản phẩm châu Âu, Mỹ có thể châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương |
Bào mòn lẫn nhau
Hai hãng chế tạo máy bay lớn nhất thế giới rơi vào cuộc đối đầu thương mại pháp lý lớn chưa từng có ở cấp độ doanh nghiệp tại WTO kể từ năm 2004, liên quan đến các khoản trợ cấp chính phủ. WTO cho rằng cả Airbus và Boeing đều nhận được hàng tỷ USD trợ cấp bất hợp pháp.
Sau khi ra phán quyết “bật đèn xanh” cho Mỹ đánh thuế EU, đến đầu năm sau, WTO sẽ có quyết định về mức thuế hàng năm mà EU có thể áp dụng đối với hàng nhập khẩu của Mỹ.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng hãng sản xuất máy bay châu Âu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, khi bị Mỹ đánh thuế, trong khi đây đang là một trong những đơn vị tuyển dụng lớn nhất nước Đức.
Theo quy định, trước khi bất kỳ chính sách thuế nào được áp dụng, Cơ quan Giải quyết tranh chấp của WTO phải chính thức thông qua báo cáo của trọng tài viên. Quy trình này dự kiến sẽ mất từ 10 ngày đến 4 tuần.
Cuộc họp tiếp theo của Cơ quan Giải quyết tranh chấp dự kiến diễn ra vào ngày 28/10, nhưng yêu cầu khẩn của Washington có thể khiến lịch họp được điều chỉnh sang ngày 14/10.
Mặc dù giá trị hàng hóa bị đánh thuế chỉ xấp xỉ kim ngạch giao thương trong 3 ngày giữa châu Âu và Mỹ, song các đơn vị nhập khẩu - đặc biệt là các hãng hàng không Mỹ mua máy bay Airbus - đã đề nghị Washington cân nhắc kỹ khi lựa chọn mục tiêu đánh thuế, để tránh gây thiệt hại cho chính nền kinh tế Mỹ.
Airbus cho rằng sẽ chẳng có bên nào thắng cuộc trong trận chiến này, đồng thời cho đăng một đoạn video nhấn mạnh đóng góp của hãng cho ngành công nghiệp hàng không Mỹ, thông qua các nhà máy lắp ráp tại Mỹ và 4.000 việc làm trực tiếp được tạo ra.
Hải Châu