Con số tổng nêu trên bao gồm tất cả các loại nợ: Nợ cá nhân, nợ doanh nghiệp và nợ công, phản ánh áp lực lên tất cả các thành phần của nền kinh tế. Chủ nợ chủ yếu là các ngân hàng và quỹ đầu tư quốc tế.
“Khiến tất cả phải lo lắng”
Tranh thủ thời cơ mặt bằng lãi suất rơi xuống thấp, tổng mức nợ vay của EMDE đã vọt lên 168% GDP, tức là tăng 54% kể từ năm 2010, theo báo cáo “Các làn sóng nợ toàn cầu” mà WB mới công bố. Tính trung bình, tỷ lệ tăng hàng năm xấp xỉ 7%, tức là gần gấp 3 lần so với giai đoạn khủng hoảng nợ của Mỹ La-tinh những năm 1970.
Kết quả nghiên cứu này có lẽ sẽ làm gia tăng nỗi lo về việc số nợ tích lũy âm ỉ lâu nay tại các nước EMDE có thể nhanh chóng trở nên không bền vững nếu mặt bằng lãi suất toàn cầu tăng lên.
Ông David Malpass - chủ tịch Nhóm WB, cho rằng quy mô và tốc độ của làn sóng nợ này “khiến tất cả chúng ta phải lo lắng”.
WB cảnh báo, xét theo nhiều tiêu chí, EMDE ngày nay dễ bị tổn thương hơn so với thời điểm trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. 3/4 các quốc gia trong số đó có thâm hụt ngân sách, trong khi nợ doanh nghiệp bằng ngoại tệ cao hơn nhiều và thâm hụt tài khoản vãng lai lớn gấp 4 lần so với năm 2007.
WB đưa ra khuyến nghị bên đi vay nên cố gắng giảm thiểu những rủi ro này bằng cách tăng cường tính minh bạch để nhận diện chính xác các mối nguy hiểm tiềm tàng, và tìm kiếm các phương án vay nợ thay thế thông qua khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân và mở rộng cơ sở tính thuế.
Ông Malpass cho rằng mặc dù “núi” nợ có thể cao, nhưng không phải là không thể quản lý được làn sóng này. Trên thế giới, mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp nhất trong lịch sử, giúp giảm nhẹ áp lực chi phí vay. “Tuy nhiên, lãnh đạo các nước cần lưu ý đến mối nguy này và đưa mức chỉ số nợ của nước mình vào vùng an toàn hơn cả về chất lượng và giá trị các khoản nợ cũng như đầu tư trước khi quá muộn”, ông nói thêm.
![]() |
Trung Quốc, với tỷ lệ nợ trên GDP 255%, chiếm phần lớn của toàn cầu |
Bài học từ quá khứ
Báo cáo “Các làn sóng nợ toàn cầu” của WB so sánh dữ liệu về đợt tín dụng ồ ạt thời gian gần đây với 3 lần trước. Có một điều đáng chú ý là cả 3 lần đều kết thúc bằng khủng hoảng tài chính.
So với cuộc khủng hoảng nợ Mỹ La-tinh những năm 1980, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cuối những năm 1990 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 (những giai đoạn mà phạm vi tác động tới EMDE vẫn còn bó hẹp ở một số khu vực cụ thể và chủ yếu liên quan đến nợ công), các chuyên gia của WB nhận thấy rằng “núi” nợ hiện nay liên quan tới cả khu vực nhà nước và tư nhân, không giới hạn ở một hoặc hai lĩnh vực cụ thể và phát sinh các đối tượng chủ nợ mới, thường có xuất xứ từ Trung Quốc.
Bản thân Trung Quốc, với tỷ lệ nợ trên GDP đã tăng 72% lên 255% so với năm 2010, chiếm phần lớn của toàn cầu. Tuy nhiên, đối với phần còn lại của khối các nước đang phát triển thì mức nợ danh nghĩa cũng tăng tới gấp đôi, WB cho biết.
Hiện tại, mặt bằng lãi suất thấp nhất trong lịch sử có thể làm giảm xác suất xảy ra khủng hoảng, theo báo cáo của WB. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng khoảng một nửa trong số 521 lần bùng phát nợ vay ở cấp độ quốc gia kể từ năm 1970 đến nay đã dẫn đến khủng hoảng, gây sụt giảm đáng kể thu nhập của người dân và doanh nghiệp.
“Lịch sử đã chỉ ra rằng các khoản nợ lớn thường diễn ra cùng với khủng hoảng tài chính ở các nước đang phát triển, gây tổn thất lớn cho người dân. Các nhà hoạch định chính sách nên sớm hành động để tăng cường tính bền vững của các khoản vay và giảm nguy cơ xảy ra các cú sốc kinh tế,” theo bà Ceyla Pazarbasioglu - Phó Chủ tịch Nhóm WB phụ trách Tăng trưởng, Tài chính và Thể chế.
Hải Châu