VW tự hào gọi đây là một trong những giao dịch mua sắm thiết bị lớn nhất trong ngành công nghiệp xe hơi.
Theo tuyên bố mới nhất của VW, đến cuối năm 2022, hãng sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới sẽ xây dựng xong 16 nhà máy sản xuất xe điện, trong khi hiện tại mới chỉ có 3 nhà máy.
Quyết tâm “chịu chơi”
Kế hoạch xuất xưởng khoảng 3 triệu xe mỗi năm vào năm 2025 của VW đang dần được hiện thực hóa, khi chốt xong thỏa thuận với các đối tác như Samsung SDI, LG Chem hay Contemporary Amperex Technology để cung cấp ắc-quy ở châu Âu và Trung Quốc. Việc tìm kiếm đối tác bán ắc-quy ở Bắc Mỹ dự kiến cũng sớm hoàn tất.
Tổng cộng, hãng sản xuất xe hơi có trụ sở tại Wolfsburg này sẽ chi ra khoảng 50 tỷ euro để mua ắc-quy phục vụ dây chuyền sản xuất xe điện, bao gồm 3 mẫu xe mới sẽ ra mắt trong năm 2018, cùng hàng chục mẫu nữa trong tương lai.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường niên, Giám đốc điều hành Matthias Mueller của VW cho biết trong năm tới, gần như tháng nào công ty này cũng sẽ cho ra mắt 1 mẫu xe chạy điện mới: “Đây là cách để chúng tôi tạo ra sản lượng xe điện lớn nhất trên thế giới”.
Sự “chịu chơi” của VW khiến giới phân tích không thể không mang ra so sánh với Tesla, một tên tuổi thu hút truyền thông khi nhắc tới xe chạy điện. Năm 2017, Tesla đã triển khai chiến dịch mua sắm trang thiết bị tương đối rầm rộ, lên tới 17,5 tỷ USD, trong đó có 15,4 tỷ là các hợp đồng có thời hạn tới năm 2022, chủ yếu liên quan đến mua pin lithium-ion từ Panasonic.
Kể từ khi xảy ra bê bối gian lận khí thải động cơ diesel hồi tháng 9/2015, áp lực đè nặng lên vai Volkswagen với yêu cầu phải thay đổi quyết liệt để vực dậy danh tiếng.
Mặc dù công nghệ diesel bị phản ứng dữ dội (thậm chí nhiều nơi còn cấm lái xe chạy diesel) và thải ra khí nitơ oxit, nhưng diesel vẫn là một nhân tố quan trọng trong nỗ lực thực thi các mục tiêu môi trường, nhờ hiệu quả tiết kiệm của nó.
Nhà sản xuất xe hơi Đức đã tái khẳng định sự ủng hộ của mình đối với công nghệ này, khi ông Mueller gọi đó là “một phần giải pháp”, ngay cả khi một hãng lớn như Toyota Motor rút dòng xe chạy động cơ diesel ra khỏi danh mục sản phẩm bán ở châu Âu, thị trường chủ lực tiêu thụ ôtô.
Tháng nào VW cũng sẽ cho ra mắt 1 mẫu xe chạy điện mới
Chông gai vẫn ở phía trước
Trong chiến lược đẩy mạnh mảng sản xuất xe điện, VW dự kiến sẽ thành lập một thương hiệu con độc lập cho dòng xe này. Mẫu xe đầu tiên sẽ là Neo hatchback, bán ra vào năm 2020. Thương hiệu xe sang Audi sẽ bắt đầu phân phối chiếc SUV E-Tron chạy điện hoàn toàn vào cuối năm nay.
Mặc dù đã đạt được các hợp đồng mua ắc-quy giá trị lớn, nhưng các vấn đề liên quan đến nguồn cấp điện năng cho xe hơi vẫn là một cơn đau đầu mà VW không thể lơ là.
Trước mắt, VW đã xoay sở tạm đủ nguồn cung coban phục vụ sản xuất xe điện. Nhưng về dài hạn, đây là một trong những nỗi lo của cả ngành, chứ không riêng gì VW.
Việc tự sản xuất ắc-quy cũng không nằm trong kế hoạch của VW. Ông Mueller, dù chịu áp lực nội bộ về phương án này, cũng phải thừa nhận “Đây không phải là một trong những thế mạnh của chúng tôi. Các doanh nghiệp khác có thể làm tốt hơn”.
Nhà sản xuất Trung Quốc CATL - một trong những đối tác cung cấp ắc-quy tương lai của VW, đang tìm kiếm một địa điểm ở châu Âu để xây dựng nhà máy đầu tiên ở nước ngoài. Thông tin trên được Chủ tịch công ty, ông Zeng Yuqun, khẳng định vào tuần trước.
Về mặt tài chính, ngay cả khi đẩy mạnh sản xuất xe điện và tránh được một phần án phạt ô nhiễm môi trường, VW vẫn có kế hoạch tiết kiệm chi phí.
Chi tiêu cho phát triển sản phẩm đã giảm 3,9% xuống còn 13,1 tỷ euro trong năm 2017, tương đương với 6,7% doanh thu. Công ty đặt mục tiêu hạ tỷ lệ này xuống 6% vào năm 2020.
Việc chuyển đổi sang công nghệ mới đòi hỏi VW phải bảo đảm duy trì được lợi nhuận từ các sản phẩm hiện tại. Ước tính tỷ suất lợi nhuận hoạt động trong năm nay của VW dao động từ 6,5 đến 7,5%, so với mức 7,4% năm 2017.
Hải Châu