Đây là động thái quyết liệt hiếm thấy của một doanh nghiệp phương Tây hoạt động ở Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh thương hiệu gà rán nổi tiếng đang phải vật lộn để giành lại thị phần đã mất ở một trong những thị trường quan trọng bậc nhất.
Mong manh như danh tiếng trên mạng
Trên trang web bằng tiếng Trung, KFC - một thương hiệu thuộc Yum Brands - cáo buộc 3 công ty truyền thông Trung Quốc đã làm hoen ố hình ảnh của mình bằng cách tung tin sai lệch về sản phẩm KFC trên các phương tiện truyền thông mạng xã hội, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng về việc gà KFC có "6 cánh và 8 chân". Chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh hiện đang yêu cầu được bồi thường 1,5 triệu nhân dân tệ (tương đương 245.000 USD) từ mỗi "bị đơn", kèm theo lời xin lỗi và chấm dứt hành vi "chơi xấu" nói trên.
Ba doanh nghiệp Trung Quốc bị KFC "chỉ mặt" là công ty Văn hóa Truyền thông Ying Chen Zhi An Chenggong ở Thâm Quyến, công ty Công nghệ Wei Lu Kuang và công ty Công nghệ Ling Dian ở Sơn Tây. Cả 3 đều chưa đưa ra bình luận nào.
![]() |
Một cửa hàng KFC ở Thâm Quyến
Động thái này diễn ra vào thời điểm Yum đang tìm cách lấy lại thị phần đã rơi vào tay các đối thủ cạnh tranh ở Trung Quốc, nơi mang về một nửa doanh thu toàn cầu của công ty. Tháng Tư vừa qua, Yum công bố lợi nhuận và doanh thu đều sụt giảm trong quý tài chính đầu tiên kết thúc ngày 21/3 trước tình hình làm ăn chật vật ở Trung Quốc. Doanh thu của Yum trong 3 tháng đó giảm 9% so với 1 năm trước, xuống còn 12,6 tỷ USD, nối tiếp xu hướng giảm của quý III và IV/2014. Trong khi đó, lợi nhuận ròng giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 362 triệu USD.
Cho rằng rất khó để các doanh nghiệp tự bảo vệ danh tiếng của mình trên Internet, KFC luôn ủng hộ chính phủ Trung Quốc ra tay loại bỏ những tin đồn thất thiệt trên các phương tiện truyền thông xã hội.
Rắc rối của Yum bắt đầu từ một bản tin tháng 11/2012, trong đó "tố" một nhà cung cấp của KFC đã sử dụng hormon tăng trưởng và thuốc kháng sinh để giúp gà phát triển nhanh hơn. Thông tin này nhanh chóng lan truyền trên mạng và đánh trúng tâm lý lo sợ của người tiêu dùng về vấn đề an toàn thực phẩm ở Trung Quốc.
Rắc rối tiếp nối rắc rối
Chính phủ Trung Quốc sau đó đã tiến hành điều tra và đề nghị Yum chấn chỉnh chuỗi cung ứng gia cầm của mình. Giám đốc điều hành phụ trách hoạt động của Yum ở Trung Quốc, Sam Su, thời điểm đó đã lên tiếng xin lỗi vì không giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng và vì hoạt động trao đổi thông tin nội bộ kém hiệu quả, đồng thời khẳng định Yum đã nghiêm túc làm theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Ông Su cũng cho biết công ty đã có kế hoạch cắt hợp đồng với một số nhà cung cấp thịt gà, áp dụng nhiều biện pháp tăng cường quản lý nhà cung cấp và đẩy mạnh công tác giám sát.
Chuyện "dìm hàng" doanh nghiệp trên mạng internet là thực tế đang diễn ra rất phổ biến ở Trung Quốc và nhiều hành vi lợi dụng internet để hoạt động kinh doanh bất hợp pháp đã bị tòa án nước này xử lý. Tuy nhiên, chưa có nhiều doanh nghiệp phương Tây công khai tiến hành thủ tục pháp lý giống như Yum.
KFC chính là chuỗi cửa hàng đầu tiên của Yum thâm nhập thị trường Trung Quốc từ năm 1987 nhưng hiện giờ chỉ có 19% số người tiêu dùng nhận diện đây là một thương hiệu hấp dẫn, giảm sâu so với tỷ lệ 42% năm 2012, theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Millward Brown. Lượng khách hàng đánh giá KFC "có sự khác biệt" so với các thương hiệu cạnh tranh khác cũng giảm từ 42% xuống xấp xỉ 25%.
Sau vụ việc "gà 8 chân" kể trên, KFC còn vướng vào rắc rối khác hồi giữa năm 2014, khi xuất hiện thông tin khác cáo buộc KFC bán thịt quá hạn của nhà cung cấp. Yum đã phải ngay lập tức cắt hợp đồng với nhà cung cấp này, nhưng doanh thu của các cửa hàng mở từ 1 năm trở lên ở Trung Quốc trong quý III/2014 vẫn giảm 14%.
Như một cách cố gắng "sửa sai", ông Su đã cho làm lại thực đơn KFC kể từ năm ngoái, bổ sung thêm các món cơm và thiết kế lại không gian cửa hàng. Gần đây nhất, KFC còn triển khai bán cà phê để cạnh tranh với các cửa hàng McCafe của McDonald.
Hùng Anh