Từ năm 2002, Hoa Kỳ đã phân loại Việt Nam là một "nền kinh tế phi thị trường" do sự can thiệp của nhà nước vào thương mại, giá cả và tiền tệ. Dù đã nỗ lực cải cách kinh tế suốt 20 năm qua, Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi danh sách này, dẫn đến những biện pháp thuế chống bán phá giá và các rào cản thương mại khắc nghiệt từ phía Hoa Kỳ.
Gần đây, Việt Nam đã tăng cường nỗ lực để nâng cấp từ danh sách "nền kinh tế phi thị trường", nhằm thúc đẩy xuất khẩu và giảm thuế trừng phạt đối với các sản phẩm như tôm. Tuy nhiên, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã bác bỏ yêu cầu này, cản trở những nỗ lực ngoại giao của Việt Nam nhằm tăng cường quan hệ thương mại với thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của mình.
Chỉ định Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường chỉ ảnh hưởng đến khoảng 1% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ. |
Trong một động thái không mấy lạc quan, Bộ Công Thương Việt Nam đã phát biểu rằng nếu Hoa Kỳ xem xét hồ sơ và thực tiễn tại Việt Nam một cách khách quan và công bằng, họ sẽ phải thừa nhận rằng Việt Nam đã là một nền kinh tế thị trường giống như 72 quốc gia khác. Việt Nam đã ký kết và thực hiện thành công 17 hiệp định thương mại tự do, bao gồm cả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và tiêu chuẩn cao với Liên minh châu Âu, các nước CPTPP, Vương quốc Anh và nhiều nước khác.
Tuy nhiên, quyết định của Bộ Thương mại Hoa Kỳ vẫn không thay đổi, tiếp tục phân loại Việt Nam là "nền kinh tế phi thị trường", ảnh hưởng xấu đến các cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam.
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội cho biết trong một tuyên bố rằng việc chỉ định Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường không mang tính trừng phạt và duy trì nguyên trạng đối với các vụ kiện chống bán phá giá, chỉ ảnh hưởng đến khoảng 1% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ. "Chúng tôi mong muốn tiếp tục tham gia vào các bước mà Việt Nam có thể thực hiện trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và đạt được quy chế nền kinh tế thị trường theo luật pháp Hoa Kỳ", đại sứ quán cho biết.
Dù chỉ ảnh hưởng đến khoảng 1% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ, nhưng phán quyết có thể gây tranh cãi này làm thất vọng cho phía Việt Nam sau nhiều nỗ lực đáng ghi nhận trong việc đa dạng hóa hoạt động kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, nỗ lực của Việt Nam đã gặp phải sự phản đối từ một số thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, các nhà sản xuất thép, tôm, mật ong và các ngành sản xuất khác do những gì họ gọi là hoạt động thương mại không công bằng và sự can thiệp quá mức của chính phủ.
6 yếu tố Bộ Thương mại Mỹ xem xét để đánh giá là nền kinh tế thị trường:
Khả năng chuyển đổi đồng tiền.
Tiền lương được xác định thông qua thương lượng tự do
Cho phép đầu tư nước ngoài
Sở hữu nhà nước đối với các phương tiện sản xuất
Sự kiểm soát của nhà nước đối với giá cả và sản xuất của các công ty
Các yếu tố khác mà phía Mỹ xem là quan trọng
Vào tháng 7, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Tom Cotton đã thúc giục Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo không chấp thuận yêu cầu của Việt Nam, với lý do "tiền tệ bị kiểm soát, thiếu quyền lao động và sự can thiệp sâu rộng của nhà nước". Sáu thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa khác đã đồng ký vào bức thư này.
Đầu năm nay, một nhóm thượng nghị sĩ khác bao gồm các đảng viên Dân chủ Elizabeth Warren và Bernie Sanders cũng phản đối việc cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, trích dẫn hơn hai chục lệnh chống bán phá giá của Hoa Kỳ đối với Việt Nam và các cuộc điều tra bán phá giá đang chờ xử lý.
Dù đã loại Việt Nam khỏi danh sách theo dõi thao túng tiền tệ vào năm 2022, hạn chế nguy cơ tăng thuế quan, nhưng những nỗ lực cải cách của Việt Nam vẫn chưa đủ để thuyết phục Hoa Kỳ thay đổi quyết định.
Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, ông Nguyễn Quốc Dũng, đã phát biểu vào đầu năm nay rằng nếu Washington không cấp cho Việt Nam quy chế kinh tế thị trường, "sẽ rất, rất tệ cho cả hai nước".
Trả lời tờ Finance Times, bà Nguyễn Thụy Anh, chiến lược gia tại công ty quản lý tài sản Dragon Capital, cho biết thất bại này sẽ khiến Hà Nội thất vọng và là điều đáng ngạc nhiên khi xét đến "sự quan tâm nồng nhiệt của Washington đối với Việt Nam trong những năm gần đây, các chuyến thăm cấp cao và những lời lẽ hoa mỹ đi kèm".
Bà Thụy Anh cho biết việc nâng cấp quy chế kinh tế thị trường sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ, nơi sẽ được hưởng lợi từ mức giá thấp hơn của những mặt hàng đó.
“Hoa Kỳ không hề che giấu mong muốn vun đắp Việt Nam thành một đối trọng chiến lược với ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, và chúng tôi không tin rằng việc Việt Nam không được nâng cấp lên 'nền kinh tế thị trường' sẽ ảnh hưởng đến điều này.”
Tuyên bố của Bộ Công Thương Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu và bổ sung các lập luận để thuyết phục Bộ Thương mại Hoa Kỳ xem xét lại quyết định này. Đồng thời, Việt Nam cũng cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ và đồng hành cùng các doanh nghiệp trong nước để tăng cường xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.
Thùy Linh