Theo kế hoạch, Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) sẽ tiến hành truy tìm loại thiết bị khai gian khí thải trên ít nhất 28 dòng xe diesel, bắt đầu từ những chiếc đã qua sử dụng của từng dòng, sau đó điều tra thêm nếu phát hiện bất cứ điều gì đáng ngờ. Mục đích của cuộc điều tra mở rộng là nhằm xác định liệu nhà sản xuất xe hơi Đức là "con sâu làm rầu nồi canh" hay đây lại là "chuyện cơm bữa" ngành công nghiệp ô tô.
Mượn xe người dân để điều tra
Động thái của EPA diễn ra trong bối cảnh cơ quan chống độc quyền của Italia tuyên bố tiến hành một cuộc điều tra khác đối với VW theo hướng liệu quyết định mua xe của khách hàng có bị ảnh hưởng bởi những thông số khí thải đã bị nhà sản xuất ôtô Đức bóp méo hay không.
Cơ quan giám sát cạnh tranh của nền kinh tế lớn thứ ba khu vực đồng euro cho biết cuộc điều tra liên quan đến các sản phẩm của VW từ năm 2009 đến năm 2015 với những thương hiệu như Volkswagen, Audi, Seat và Skoda. Cơ quan này muốn tìm hiểu xem có hay không việc VW "lươn lẹo" bán cho khách những chiếc xe xả thải nhiều hơn thông số công bố.
Về phần mình, EPA dự kiến sử dụng xe ô tô từ các cơ sở cho thuê hoặc mượn từ các chủ xe thông qua cơ sở dữ liệu đã đăng ký. Để thuyết phục chủ xe tạm thời giao xe phục vụ điều tra, EPA có kế hoạch giúp họ thuê xe khác thay thế, đi kèm phiếu rửa xe hoặc thay dầu miễn phí.
![]() |
Vạ lây Volkswagen, nhiều công ty ô tô bị điều tra
Cơ quan này nhắm tới hầu hết các xe diesel đang lưu hành ở Mỹ, bao gồm cả đời xe X3 của BMW, Grand Cherokee của Chrysler, Chevrolet Colorado của GM, Range Rover TDV6 và Mercedes-Benz E250 Bluetec. Động cơ diesel chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong thị trường xe hơi Mỹ, nhưng thịnh hành hơn ở châu Âu..
Phát ngôn viên của Fiat Chrysler, Mercedes, GM và JLR đều khẳng định công ty mình không cài đặt các thiết bị gian lận. Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có bằng chứng nào cho thấy có một hãng xe nào ngoài VW lừa dối người tiêu dùng như vậy.
Sự đắt đỏ của công nghệ
Quan chức EPA cho biết cơ quan này không yêu cầu các nhà sản xuất hợp tác trong đợt điều tra mở rộng này. Trong công văn gửi đến nhà sản xuất ôtô tuần qua, EPA tuyên bố sẽ tăng cường công tác giám sát về khí thải, song không công khai cụ thể những loại xe nào đang nằm trong tầm ngắm.
Tháng trước, EPA phát hiện 482.000 xe VW động cơ diesel tại Mỹ có lắp thiết bị đặc biệt mà phần mềm của nó "hiểu" được khi nào xe tiến hành kiểm tra trong phòng thí nghiệm và sẽ tự động bật chế độ làm giả thông số khí thải. Khi xe ra đường, phần mềm lại tự tắt và chiếc xe "hiện nguyên hình" là một nguồn gây ô nhiễm với mức xả thải oxit nitơ gấp đến 40 lần giới hạn cho phép.
Về mặt tác hại, nhiều báo cáo nghiên cứu đã chỉ ra rằng oxit nitơ ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe con người, đặc biệt là gây ra các vấn đề về đường hô hấp, khiến hơn 52.000 người tử vong mỗi năm ở Anh.
Chính từ vụ bê bối của VW mà những người lâu nay phản đối động cơ diesel càng có thêm lý do để lên tiếng. Ủy ban châu Âu sẽ thúc đẩy việc tiến hành xét nghiệm mới cho xe chạy xăng và diesel về mức độ khí thải cả carbon dioxide và oxit nitơ, thậm chí đến năm 2017, sẽ có hệ thống kiểm tra cơ động trên đường về hàm lượng khí thải oxit nitơ.
Chi phí mà các doanh nghiệp sản xuất ô tô đang phải gánh để áp dụng công nghệ giảm khí thải nhằm tuân thủ quy định hiện hành của châu Âu là khoảng 1.300 EUR/xe, và con số này có thể tăng thêm 200 – 300 EUR nữa theo quy định mới có hiệu lực kể từ năm 2017.
Đây là một thách thức lớn cho Fiat Chrysler Automobiles, Peugeot, Renault và các thương hiệu cốt lõi của VW. Những tên tuổi cao cấp như BMW, Daimler và Audi có giá bán cao hơn, lợi nhuận lớn hơn thì thừa sức "cõng" các chi phí công nghệ đắt tiền.
Hùng Anh