Unilever đang chịu sức ép về tình hình hoạt động không được như mong đợi, doanh số bán hàng sụt giảm, mất thị phần vào tay các đối thủ nhỏ, nhất là kể từ khi từ chối lời đề nghị mua lại trị giá 143 tỷ USD của Kraft-Heinz hồi tháng 2.
Tăng khả năng thích nghi
Mảng sản phẩm chăm sóc cá nhân - một mũi nhọn kinh doanh của Unilever, mang lại doanh thu 20 tỷ euro/năm, mới chỉ tăng trưởng 2,4% trong 9 tháng năm nay.
Chủ tịch Alan Jope của Unilever Personal Care lý giải đó là do thị trường toàn cầu tăng trưởng chậm, trong đó có hai thị trường chủ lực Indonesia và Brazil, mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các đối thủ bản địa như Patanjali ở Ấn Độ hay Wardah ở Indonesia.
Trong khi vấn đề thị trường chỉ là tạm thời, ông Jope cho rằng bài toán cạnh tranh mới là cơn đau đầu trong dài hạn. Đó là động lực để Unilever tập trung tăng khả năng thích nghi theo từng điều kiện thị trường cụ thể.
Vị lãnh đạo này lấy ví dụ một số dòng sản phẩm mới có thể hỗ trợ chiến lược trên như xà phòng, sữa tắm Dove dành cho người bị bệnh vẩy nến hoặc chàm, Skinsei - một chế độ chăm sóc da tùy chỉnh cho từng khách hàng, hay một thương hiệu làm đẹp mang tên Love Beauty and Planet.
Trong 2 năm trở lại đây, Unilever đã nỗ lực để khai thác tối đa quy mô toàn cầu của mình trong các lĩnh vực tiềm năng và rút ngắn thời gian sáng tạo ra các sản phẩm mới dành riêng cho từng thị trường.
Ví dụ có thể kể đến loại kem Breyers ở Mỹ với hàm lượng calorie thấp, nhiều chất đạm, chỉ mất 5 tháng là đã tung ra thị trường và giành lại thị phần từ tay một startup có tên Halo Top.
Một lý do khác khiến Unilever phải tinh gọn bộ máy chính là bài toán chi phí, với mục tiêu tiết kiệm được 6 tỷ euro vào năm 2019 (2/3 số tiền này sẽ được dành để tái đầu tư vào hoạt động kinh doanh) và 20% lợi nhuận hoạt động vào năm 2020.
Trong vài năm tới, Unilever dự kiến sẽ thu được nhiều hơn từ các mảng hoạt động khác như cửa hàng chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp, dịch vụ giao hàng và trực tuyến. Công ty chuẩn bị tung ra các sản phẩm mới cho phù hợp với những hướng đi đó và có thể bắt tay với một số đối tác như Just Eat hay Deliveroo để mở rộng kênh phân phối.
Công ty cho biết gần như đã hoàn thành kế hoạch mua lại cổ phiếu từng công bố hồi tháng 4 ngay sau khi được Kraft hỏi mua và quá trình thanh lý mảng kinh doanh mặt hàng bơ mứt đang tiến triển tốt.
![]() |
Unilever đang chịu sức ép về hoạt động không được như mong đợi
Thu gọn bộ máy
Theo nguồn tin của Reuters, hiện tại còn 3 nhà đầu tư theo đuổi mảng kinh doanh mặt hàng bơ mứt của Unilever là Apollo, KKR và CVC Capital Partners. Vòng đấu thầu tiếp theo, dự kiến có thể đẩy mức giá chào mua lên hơn 7 tỷ USD, sẽ diễn ra vào giữa tháng 12 này.
Trước đó, CVC đã từng hợp tác với Blackstone, nhưng bây giờ thì tách ra làm nhà thầu độc lập; còn Clayton Dubilier & Rice thì liên danh với Bain Capital để dự thầu, nhưng rồi cả hai đều phải bỏ cuộc.
Giới ngân hàng cũng đang sôi động để giành lợi thế tham gia thương vụ hấp dẫn này. Goldman Sachs, Morgan Stanley và Mizuho sẵn sàng cấp tín dụng tổng cộng tới 4 tỷ euro cho những bên mua tiềm năng, tức là gấp 5 lần lợi nhuận trước lãi vay, thuế, khấu hao (EBITDA) mà mảng kinh doanh này mang lại. Một số ngân hàng khác thậm chí có thể cung cấp đòn bẩy mạnh hơn nữa, khoảng 6 - 7 lần.
Mảng kinh doanh bơ mứt của Unilever được đánh giá là rất sinh lời, nhưng cũng có ý kiến quan ngại rằng có nên bạo chi cho một mảng kinh doanh đã sụt giảm trong nhiều năm qua hay không, nhất là trong bối cảnh người tiêu dùng có xu hướng dùng ít bánh mì và bơ mứt hơn trước.
Hải Châu