Bên cạnh đó, Lego cũng hạ dự báo tăng trưởng trong vòng vài năm tới, thừa nhận mức tăng một chữ số là kịch bản thực tế hơn với điều kiện hiện nay.
Sau khi đột ngột sa thải giám đốc điều hành cách đây 1 tháng, hãng sản xuất đồ chơi của Đan Mạch cho biết, doanh thu nửa đầu năm 2017 đã giảm 5%. Có vẻ như Lego đang phải đối mặt với thách thức lớn mà lâu lắm rồi không ai bận tậm tới, ít nhất là kể từ khi doanh nghiệp này đứng bên bờ vực phá sản, vào đầu những năm 2000.
Viễn cảnh không mấy sáng sủa
Bên cạnh đó, Lego cũng không dám tin tưởng 100% có thể lấy lại đà tăng trưởng trong vòng 2 năm tới. Sự thừa nhận không lấy gì làm vui vẻ này chẳng khác nào gáo nước lạnh cho nhà đầu tư, những người vẫn yên tâm vì Lego vốn nổi tiếng là thức thời, biết nắm bắt tốt cơ hội trong thời đại kỹ thuật số và tận dụng hiệu quả mô hình nhượng quyền thương mại để thổi hồn cho các sản phẩm của mình, gắn chúng với những hình ảnh thu hút lớp trẻ như Harry Potter hay Minecraft.
Doanh thu của Lego tại các thị trường chủ chốt là Mỹ và châu Âu, đã sụt giảm đáng kể trong thời gian qua. Ngay cả dòng sản phẩm Star Wars vốn rất “hot” cũng giảm nhẹ trong nửa đầu năm.
Sau 1 thập kỷ tăng trưởng 2 con số và liên tục đa dạng hóa sản phẩm với việc tung ra nhiều mẫu xếp hình, trò chơi điện tử, phim nhượng quyền, ứng dụng điện thoại thông minh…, Lego đang bước vào giai đoạn tương đối khó khăn. Năm ngoái, tăng trưởng doanh thu của hãng đã giảm chỉ còn 6% so với 25% của năm 2015.
6 tháng đầu năm nay, doanh thu của Lego đạt 14,9 tỷ koron Đan Mạch (tương đương 2,38 tỷ USD). Điểm sáng hiếm hoi có lẽ là việc Lego vấn dẫn đầu so với các đối thủ cạnh tranh trong ngành. Hasbro chỉ thu được 1,82 tỷ USD, trong khi con số của Mattel - hãng sản xuất búp bê Barbie, là 1,71 tỷ USD.
![]() |
Chủ tịch Jorgen Vig Knudstorp - người được mệnh danh có “bàn tay phù thủy”
Trong bối cảnh môi trường kinh doanh ngày càng khốc liệt và phức tạp, Chủ tịch điều hành Lego - ông Jorgen Vig Knudstorp, khẳng định hãng sẵn sàng “làm lại từ đầu” và thay đổi mô hình tổ chức sao cho hiệu quả hơn. Ông Knudstorp tự đánh giá Lego đang mất đi động lực phát triển, dẫn đến tình trạng trì trệ, thậm chí là đi thụt lùi.
Ông Knudstorp vốn được biết đến là người đã tái thiết thần kỳ mảng kinh doanh cốt lõi của Lego là đồ chơi xếp hình vào năm 2004, chỉ 1 năm sau khi hãng này đứng trước nguy cơ phá sản. Khi đó, người đàn ông 35 tuổi đã sa thải nhiều chuyên gia tư vấn và thuê đội thiết kế mới để đưa ra các sản phẩm có tỷ suất lợi nhuận cao, bắt kịp xu thế nhưng vẫn mang “hồn cốt” Lego.
Thời thế thay đổi
Bước đi chiến lược này đã giúp Lego dần trở lại vị trí đầu ngành. Ngay cả khi thị trường đồ chơi toàn cầu sụt giảm sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Lego thậm chí vẫn tìm cách mở rộng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng ở châu Á thời điểm đó.
Tuy nhiên, bây giờ mọi chuyện đã không còn được sáng sủa như vậy. Việc tìm người có thể gánh vác Lego như ông Knudstorp trước đây vẫn chưa có kết quả ưng ý. Bali Padda được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành vào tháng 1 năm nay, nhưng chỉ trụ được có 8 tháng và phải nhường ghế cho Niels B. Christiansen.
Khó khăn hiện tại cũng buộc Lego phải cắt giảm khoảng 1.400 việc làm trên tổng số 18.200 lao động đang sử dụng, bao gồm 600 vị trí tại trụ sở chính ở Billund, Đan Mạch, mà phần lớn trong số đó phải được tiến hành trước khi kết thúc năm 2017.
Thách thức Lego đang gặp phải được lý giải là do trong 1 thập kỷ tăng trưởng “nóng” vừa qua, hãng đã đầu tư rất nhiều, tạo ra tới 7.000 việc làm mới trong giai đoạn 2012 - 2016, song hiệu quả thu về lại không được như mong đợi. Bên cạnh đó, mô hình tổ chức ngày càng phức tạp khiến công ty khó có thể nhận thức chính xác tiềm năng tăng trưởng của mình để tập trung đầu tư đúng hướng.
Hải Châu