Chốt phiên giao dịch ngày 2/7, giá dầu thô Brent giao tương lai tiếp tục tăng 1,11 USD/thùng tương ứng 2,6% lên 43,14 USD/thùng; giá dầu WTI tăng 83 cent tương ứng 2,1% lên 40,65 USD/thùng.
Trước đó, tính chung trong quý II/2020, giá dầu Brent nhảy vọt hơn 80% - mức tăng quý tốt nhất kể từ quý III/1990 đến nay, thời điểm giá dầu leo dốc tới 142% trong cuộc Chiến tranh vùng Vịnh. Trong khi đó, giá dầu WTI cũng tăng tới 91% trong quý II, ghi nhận quý tăng mạnh nhất kể mức leo dốc 131% hồi Chiến tranh vùng Vịnh.
Giá dầu có quý tăng mạnh nhất trong 3 thập kỷ nhưng tương lai được dự báo vẫn u ám |
Tuy nhiên, dù phục hồi kỷ lục trong khoảng thời gian từ tháng 4 - 6, song cả giá dầu WTI và Brent hiện vẫn thấp hơn 34% so với mức đạt được hồi đầu năm.
Giám đốc điều hành Cơ quan năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol nhận định, năm 2020 có thể là năm tồi tệ nhất trong lịch sử thị trường dầu mỏ toàn cầu, trong đó tháng 4 là tháng tồi tệ nhất mà ngành công nghiệp này từng trải qua. Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 20/4, giá dầu WTI giao tháng 5 đã tụt hơn 300% lần đầu tiên trong lịch sử rơi xuống mức -37,63 USD/thùng do chịu sức ép từ cả phía cung và cầu. Trong khi nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sụt giảm hơn 30% do ảnh hưởng từ các biện pháp hạn chế ngăn chặn dịch Covid-19, nguồn cung dầu lại dư thừa do “cuộc chiến giá dầu” giữa Nga và Saudi Arabia.
“Tác động kép từ đại dịch Covid-19 và cuộc chiến giá dầu đã giáng đòn mạnh mẽ vào thị trường nhiên liệu”, ông Martin Fraenkel, Chủ tịch S&P Global Platts nhận xét. Ông Fraenkel cũng cảnh báo rằng biến động giá dầu có thể sẽ diễn ra trong những tháng tới do những chênh lệch rất lớn giữa cung - cầu trên thị trường.
Nhà phân tích dầu mỏ Stephen Brennock tại PVM Oil Associates ví von thị trường dầu nửa đầu năm 2020 đã diễn biến như “một bộ phim bom tấn Hollywood”, nhưng kịch bản cho 6 tháng cuối năm cũng biến động không kém.
“Nhìn về tương lai, nửa còn lại của năm, hàng loạt sự kiện như cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, thời hạn thỏa thuận thương mại Brexit và diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 sẽ là những chương mới trong cuốn kịch bản tiếp theo đầy kịch tính”, ông Stephen Brennock nói.
Trước đó, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu dầu trong năm 2020 sẽ giảm mạnh nhất trong lịch sử khi làn sóng dịch Covid-19 đang có nguy cơ tái bùng phát tại nhiều quốc gia.
Trong báo cáo mới nhất, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã cảnh báo thị trường dầu vẫn sẽ trong tình trạng dư cung trong nửa cuối năm 2020 kể cả khi nhu cầu được cải thiện vì lượng cung từ bên ngoài khối này sẽ cao hơn dự đoán trước đây khoảng 300.000 thùng/ngày.
P.L