Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung được dự báo sẽ làm giảm 0,7% sản lượng toàn cầu vào năm 2020, giảm GDP của Trung Quốc và Mỹ lần lượt 1,3% và 1%.
Không ngại ăn miếng trả miếng
Mức thuế mới mà Trung Quốc dự định áp dụng sẽ có hiệu lực kể từ ngày 23/8 tới, chính là ngày mà Mỹ bắt đầu đánh thuế bổ sung 25% đối với 16 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Danh sách mặt hàng đánh thuế của Trung Quốc có một số thay đổi so với một dự thảo đưa ra hồi tháng 6. Số lượng sản phẩm cũng tăng từ 114 lên 333, mặc dù tổng giá trị thì không đổi.
Hôm 7/8 vừa qua, Mỹ chốt danh sách những hàng hóa của Trung Quốc bị tăng thuế, nhằm gây áp lực buộc nước này đàm phán những nhượng bộ thương mại. Trung Quốc chỉ trích hành động này là “rất bất hợp lý” và ngay lập tức trả đũa.
Sau khi rút dầu thô khỏi ý định tăng thuế, Trung Quốc bổ sung nhiều mặt hàng khác để bù lại, như bột cá, phế liệu gỗ, giấy, phế liệu giấy, phế liệu kim loại và nhiều loại xe đạp, xe hơi.
Tuần trước, Trung Quốc cũng đưa ra đề xuất đánh thuế bổ sung đối với 60 tỷ USD hàng hóa khác từ Mỹ, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên kế hoạch tăng thuế nhập khẩu từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Cho đến nay, Trung Quốc hoặc đã áp đặt hoặc có dự định tăng thuế đối với số hàng hóa trị giá 110 tỷ USD, tức là chiếm phần lớn kim ngạch nhập khẩu hàng năm từ Mỹ. Chỉ còn dầu thô và máy bay cỡ lớn là các mặt hàng quan trọng của Mỹ chưa xuất hiện trong bất kỳ danh sách nào. Trung Quốc dường như vẫn giữ bài để “tiếp chiêu” Mỹ.
Mỹ chưa có phản ứng gì cụ thể sau đòn trả đũa của Trung Quốc. Dư luận quốc tế tiếp tục chờ đợi xem liệu việc này có khiến chính quyền ông Trump dấn thêm nước cờ mới đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc hay không.
Hiện nay, Đại diện Thương mại Mỹ đang trong quá trình lấy ý kiến công chúng về các kế hoạch tăng thuế và hạn chót là ngày 5/9. Sau đó, sẽ mất vài tuần nữa để rà soát danh sách đánh thuế và cập nhật hệ thống của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ để bắt đầu thu thuế.
Thậm chí, không loại trừ khả năng ông Trump sẽ cân nhắc lời cảnh báo của mình trước đây là đánh thuế tất cả hàng hóa Trung Quốc, trị giá hơn 500 tỷ USD vào năm ngoái.
Nguy cơ về những cú sốc thương mại Mỹ - Trung còn treo lơ lửng |
Vẽ tiếp vòng tròn luẩn quẩn
Theo dự đoán của chuyên gia, Mỹ có thể bắt đầu thu thuế bổ sung đối với 250 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 1 tháng trước kỳ bầu cử tháng 11/2018. Thời điểm này vừa đủ sớm để ông Trump sử dụng làm thông điệp tranh cử, vừa đủ muộn để các hiệu ứng bất lợi không kịp xảy ra trước tháng 1/2019. Và tất nhiên, Trung Quốc sẽ trả đũa không kém một xu.
Tuy nhiên, vì chỉ nhập khẩu có 130 tỷ USD hàng Mỹ trong năm 2017 nên Trung Quốc cũng có cái khó là sắp hết “dung lượng” để đánh thuế. Khi đó, nước này có thể sẽ áp dụng hình phạt đối với doanh nghiệp Mỹ đang kinh doanh ở Trung Quốc.
Cơ hội ngăn cuộc chiến thuế quan leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày một vơi dần khi cả hai bên kiên quyết không nhượng bộ. Nếu chính quyền Mỹ lựa chọn giải pháp mạnh tay để gây sức ép buộc Trung Quốc đáp ứng yêu cầu của mình, thay vì thỏa hiệp, thì sẽ chỉ tạo ra vòng tròn luẩn quẩn với quy mô và mức độ nghiêm trọng ngày càng phình to mà thôi. Có thể nói, dù chưa đến mức “gương vỡ không thể lành”, song cả hai đang tiến rất gần cột mốc này.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung được dự báo sẽ làm giảm 0,7% sản lượng toàn cầu vào năm 2020, giảm GDP của Trung Quốc và Mỹ lần lượt 1,3% và 1%. Nguy cơ về những cú sốc thương mại như đã từng chứng kiến trong những năm 1930 vẫn là một bài học còn treo lơ lửng.
Hải Châu