Những tháng gần đây, Trung Quốc đã đưa ra một loạt các biện pháp nhằm “gây khó” cho những cá nhân, tổ chức có ý định chuyển tiền ra nước ngoài, đồng thời cứu lấy đồng tiền đang suy yếu của mình, bất chấp những lời chỉ trích của Tổng thống Mỹ Donald Trump, rằng Bắc Kinh đang cố ý dìm giá đồng nhân dân tệ (NDT).
“Hết đạn” nhanh chóng
Theo thông tin mới được công bố, dự trữ ngoại hối của nước này đã giảm 12,3 tỷ USD trong tháng 1/2017, xuống còn 2.998 tỷ USD, tức là sụt nhiều hơn so với mức dự kiến 10.5 tỷ USD của một số chuyên gia kinh tế.
Dù cột mốc 3.000 tỷ USD bị “xuyên thủng” chưa phải chuyện gì quá ghê gớm đến mức mất an toàn cho Bắc Kinh, song lo ngại không phải là không có. Việc Trung Quốc đang “hết đạn” nhanh chóng đặt ra câu hỏi, liệu cơ quan chức năng có thể cầm cự để bảo vệ đồng nội tệ đến bao giờ và phải huy động bổ sung những nguồn nào để đắp vào quỹ dự trữ.
Một số nhà phân tích lo ngại, việc quỹ dự trữ bị hao hụt lớn và kéo dài có thể trở thành động lực để Bắc Kinh phá giá đồng NDT như đã làm trong năm 2015, tiềm ẩn nguy cơ khiến thị trường tài chính toàn cầu rơi vào tình trạng hỗn loạn và thổi bùng căng thẳng chính trị với chính quyền mới của Mỹ.
Mặc dù để thủng đáy 6 năm, nhưng mức giảm dự trữ ngoại hối của Trung Quốc vẫn nhỏ hơn rất nhiều so với lần sụt giảm 41 tỷ USD hồi tháng 12/2016 và là mức khiêm tốn nhất trong 7 tháng trở lại đây. Điều này cho thấy, chủ trương thắt chặt dòng vốn ra nước ngoài đã bước đầu thể hiện kết quả tích cực.
Tất nhiên, nhiều doanh nghiệp châu Âu cũng than vãn rằng họ gặp khó khăn trong việc chi trả cổ tức cho cổ đông nước ngoài, còn các công ty Trung Quốc thì mệt mỏi hơn khi đi xin cấp phép cho các giao dịch thâu tóm trên thị trường quốc tế.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục ban hành các chính sách mạnh tay hơn, bởi hệ thống tài chính của nước này vẫn còn nhiều kẽ hở, đủ để giới đầu cơ nhanh chóng tìm ra những kênh mới chuyển tiền ra nước ngoài.
![]() |
Đồng NDT được dự báo sẽ sớm rơi xuống gần đáy của 10 năm trở lại đây
Trung Quốc là nước có nguồn dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, nhưng so với tháng 8/2015 - thời điểm phá giá NDT khiến giới đầu tư toàn cầu choáng váng - thì hiện nay đã “bốc hơi” hơn 500 tỷ USD. Năm 2016, trong khi đồng USD tăng mạnh, NDT lại giảm 6,6%, mức giảm lớn nhất kể từ năm 1994.
Thậm chí đã có thể tệ hơn
Mức sụt giảm dự trữ ngoại hối của Trung Quốc trong tháng 1 vừa qua lẽ ra còn tồi tệ hơn, nếu không có sự đảo chiều đột ngột của USD. Đồng USD yếu đi đã làm tăng giá trị các loại ngoại tệ khác mà Bắc Kinh đang nắm giữ.
Tuy nhiên, bất chấp những biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn và đồng NDT tăng giá, dòng vốn ròng chảy ra khỏi Trung Quốc vẫn tăng từ 51 tỷ USD, hồi tháng 12/2016, lên gần 71 tỷ USD trong tháng đầu năm 2017. Áp lực càng gia tăng khi nhiều người Trung Quốc bán NDT mua USD và các đồng ngoại tệ khác để đi du lịch nước ngoài, trong những ngày nghỉ dài của Tết Nguyên đán.
Dù đã tăng gần 1% so với đồng USD trong năm nay, nhưng đồng NDT được dự báo sẽ sớm rơi xuống, thậm chí là gần đáy của 10 năm trở lại đây, nhất là trong trường hợp chính phủ Mỹ tiếp tục tăng lãi suất, thúc đẩy dòng vốn đầu tư chạy ra khỏi các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc.
Theo lý giải của Cục Quản lý ngoại hối Trung Quốc (SAFE), sự sụt giảm dự trữ trong tháng 1/2017 chủ yếu là do hành động can thiệp của ngân hàng trung ương nước này, khi bán ngoại tệ và mua NDT. Cơ quan này cũng trấn an, rằng việc biến động là hoàn toàn bình thường và thị trường không nên chú ý quá nhiều đến mốc 3.000 tỷ USD.
Dù vậy, nhiều chuyên gia khuyến cáo rằng Trung Quốc cần bảo đảm dự trữ tối thiểu từ 2,6 - 2,8 nghìn tỷ USD theo các chỉ tiêu an toàn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Nếu đồng USD phục hồi nhanh, nỗi lo về đồng NDT mất giá sẽ có thể thúc đẩy dòng vốn đầu tư chảy ra ngoài biên giới, với lưu lượng lớn hơn nữa.
Hải Châu