Ở giai đoạn đầu triển khai, thị trường mua bán quyền xả thải carbon chỉ áp dụng đối với lĩnh vực sản xuất điện - một “điểm nóng” chiếm tới phân nửa lượng xả thải của nước này năm 2016, do quá trình đốt các nhiên liệu hóa thạch.
Từ từ từng bước
Cụ thể, các nhà máy nhiệt điện thải ra 26.000 tấn carbon trở lên mỗi năm (tương đương đốt 10.000 tấn than) sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh. Trung Quốc đã thí điểm mô hình này ở 7 tỉnh/thành phố và sắp tới sẽ tiếp tục nhân rộng ra các địa phương khác, đồng thời thí điểm thêm các lĩnh vực sản xuất công nghiệp khác cũng tiêu thụ nhiều than và khí đốt (như sản xuất xi măng, sắt thép...).
Quyết định của chính phủ Trung Quốc được dư luận quốc tế chờ đợi từ lâu. Nó có thể tạo ra cú hích quan trọng trong cuộc chiến toàn cầu chống biến đổi khí hậu, nhất là khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có ý định xóa sổ cam kết của nước Mỹ dưới thời ông Barrack Obama về việc hạn chế xả thải.
Chủ trương đã có, song Trung Quốc chưa đưa ra lộ trình cụ thể và cần thêm vài năm nữa để ban hành các quy định và hướng dẫn thực hiện. “Mọi việc sẽ diễn ra từ từ, từng bước từng bước”, ông Li Junfeng - Cố vấn cao cấp của chính phủ về xây dựng kế hoạch thị trường carbon, cho biết.
Thông báo của Trung Quốc cũng có thể gây hụt hẫng cho những ai kỳ vọng thị trường carbon sẽ bao trùm nhiều hoạt động khác trong nền kinh tế, như sản xuất xe hơi, công nghiệp hóa nông nghiệp, sản xuất hóa chất... vốn cũng rất hăng hái xả thải ra môi trường.
Tuy nhiên, các tổ chức vì môi trường vẫn hoan nghênh động thái này. Dù sao thì mức độ xả thải của riêng ngành điện Trung Quốc đã lên tới 3,3 tỷ tấn CO2 mỗi năm, trong khi quy mô toàn bộ hệ thống giao dịch quyền xả thải của Liên minh châu Âu chỉ xấp xỉ 2 tỷ tấn.
Trung Quốc đang đứng trước rất nhiều áp lực cả trong và ngoài nước về trách nhiệm đối với môi trường. Nước biển dâng cao sẽ đi kèm nguy cơ xóa sổ khu vực bờ biển đông dân cư của nước này.
Dư luận Trung Quốc thì ngày càng bức xúc, lo lắng về các vấn đề hiện hữu ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày, như khói bụi, sương mù đô thị, chất lượng nước và ô nhiễm đất. Điều này buộc chính phủ phải đầu tư rốt ráo cho công nghệ xanh như ôtô điện, tuabin gió, hay pin năng lượng mặt trời.
Các nhà máy nhiệt điện ở Trung Quốc thải ra 26.000 tấn carbon trở lên mỗi năm
Rút ra bài học để hoàn thiện
Theo dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), lượng xả thải khí nhà kính của Trung Quốc từ quá trình đốt các loại nhiên liệu hóa thạch (như dầu mỏ, than đá và khí tự nhiên) đã tăng gần gấp 3 lần, kể từ năm 2000.
Nếu vận hành được đúng như kế hoạch, thị trường giao dịch quyền xả thải ở Trung Quốc sẽ khuyến khích các công ty điện lực nước này hoạt động theo hướng “xanh sạch đẹp” hơn. Các công ty điện lực phải trả tiền nếu muốn xả thải vượt ngưỡng cho phép. Doanh nghiệp nào xả thải ít có thể bán quyền xả thải cho các công ty có nhu cầu.
Cho đến nay, các thị trường hạn ngạch khí thải trên thế giới, mà phổ biến nhất là ở châu Âu, tỏ ra chưa thực sự hiệu quả như kỳ vọng. Một trong những lý do chính là cơ quan chức năng cấp hạn ngạch quá hào phóng, khiến doanh nghiệp không có nhiều động lực để cắt giảm khí thải, hay không chịu sức ép tài chính vì phải đi mua thêm ngoài thị trường.
Theo chuyên gia tư vấn cho chính phủ Trung Quốc xây dựng thị trường khí thải, nước này có thể cũng sẽ cấp hạn ngạch xả thải ở ngưỡng cao từ đầu năm 2018, để hài hòa với áp lực chính trị trong nước, nhưng rồi sau đó dần dần thắt chặt theo từng năm
Việc cho phép các doanh nghiệp mua bán hạn ngạch xả thải với nhau, cho dù bước đầu chỉ áp dụng trong ngành điện, giúp chính phủ Trung Quốc rút ra nhiều bài học để tiếp tục hoàn thiện chính sách, tiến tới áp dụng cho nhiều lĩnh vực khác trong nền kinh tế, đồng thời thông qua tổng kết đánh giá sẽ xác định được công ty nào giảm thải hiệu quả nhất.
Hải Châu