Bước ngoặt diễn ra sáu tuần trước đó, khi Baidu, công ty cung cấp dịch vụ tìm kiếm online lớn nhất Trung Quốc, bị điều tra về phương thức hiển thị quảng cáo trên mạng đã gián tiếp khiến một sinh viên đại học tiền mất tật mang.
Mất mạng vì tin vào “mạng”
Theo thông tin từ Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC), trong thời gian tới, các công ty hoạt động trong lĩnh vực tìm kiếm internet sẽ phải chấn chỉnh hoạt động của mình, theo đó họ có nghĩa vụ cung cấp “kết quả khách quan, công bằng và có căn cứ”, không được làm tổn hại đến quyền và lợi ích của quốc gia cũng như của người dùng là các cá nhân, tổ chức.
Quy định mới yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ phải đánh dấu rõ đâu là quảng cáo trả tiền để người sử dụng dễ dàng phân biệt với kết quả tìm kiếm thông thường, đồng thời hạn chế số lượng kết quả quảng cáo trả tiền xuất hiện trên mỗi trang tìm kiếm.
Một quan chức CAC cho biết sở dĩ quy định mới tập trung vào những vấn đề như trên là do nhận được rất nhiều phàn nàn thường xuyên của người dân Trung Quốc sử dụng Internet.
Một số kết quả tìm kiếm có nội dung khiêu dâm, bạo lực, giết người; số khác lại thiên lệch, thiếu khách quan và vi phạm các tiêu chuẩn văn hóa doanh nghiệp, gây nhầm lẫn và ảnh hưởng đến dư luận. Những vấn đề này bị cho là nguyên nhân lớn gây mất trật tự không gian thông tin internet và tác động xấu tới xã hội.
CAC cũng yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ phải báo cáo kịp thời bất cứ khi nào họ phát hiện nội dung bất hợp pháp trong các kết quả tìm kiếm. Các tổ chức y tế chưa được cấp phép sẽ không được đăng tin quảng cáo trên internet.
Quy định mới của chính phủ Trung Quốc được đưa ra chỉ 6 tuần sau khi cơ quan chức năng nước này mở cuộc điều tra về cách thức hiển thị các quảng cáo chăm sóc sức khỏe trên Baidu.
Vấn đề không có gì đáng nói nếu không có một sinh viên đại học cả tin làm theo một phương pháp điều trị ung thư mà Baidu dẫn ra để rồi phải đánh đổi bằng chính mạng sống của mình.
Người dân có thói quen “học” cách chữa bệnh trên mạng
Môi trường nhiễu loạn thông tin
Vụ việc đã gây chấn động dư luận và làm bùng lên những lời chỉ trích dữ dội từ phía các phương tiện truyền thông và cộng đồng mạng Trung Quốc về tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào công cụ tìm kiếm Baidu mà không có kênh tham chiếu khác, trong khi các thông tin y tế thì nhan nhản trên mạng nhưng không được kiểm soát mức độ chính xác.
Ngoài ra, cũng không thể không nhắc đến thói quen chưa tốt của nhiều người dân Trung Quốc là khi có bệnh, thay vì đi khám, lại lập tức lên mạng “lang thang” khắp các diễn đàn để tìm thông tin từ những người có bệnh như mình rồi làm theo. Điều này khiến Baidu, chứ không phải bất kỳ trang web chuyên khoa nào về y tế, trở thành địa chỉ được ghé thăm nhiều nhất khi người dùng có nhu cầu tư vấn sức khỏe.
Sau sự cố đáng buồn của nam sinh viên đại học kể trên, cơ quan chức năng đã yêu cầu Baidu có biện pháp bảo vệ quyền lợi người sử dụng một cách thiết thực và toàn diện hơn (bao gồm cả quyền đòi bồi thường từ chính Baidu trong trường hợp xảy ra thiệt hại), cũng như tạo thêm nhiều kênh giao tiếp hiệu quả để khách hàng có thể dễ dàng phản ánh khi gặp vấn đề về chất lượng dịch vụ.
Phản ứng trước quy định mới của CAC, Baidu cho biết “sẽ tuân thủ đầy đủ” và khẳng định đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan cũng như người dùng internet để cung cấp những kết quả tìm kiếm khách quan và có căn cứ.
Baidu dự kiến sẽ nghiên cứu thay đổi thuật toán để đáp ứng các yêu cầu của cơ quan chức năng và sẽ thành lập một quỹ trị giá một tỷ Nhân dân tệ (tương đương hơn 3.300 tỷ đồng) để bù đắp cho những người dùng mạng bị thiệt hại kinh tế do tin theo những thông tin không chính xác cho dù đó là những quảng cáo được trả phí trên Baidu.
Ngoài ra, công ty này cũng cam kết không hiển thị kết quả tìm kiếm liên quan tới các cơ sở y tế chưa được cấp phép hoặc liên quan đến quân đội và cảnh sát vũ trang bán quân sự.
Hải Châu