Cho dù không đả động đến nước Mỹ song đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn “ẩn ý” nhắc nhở tất cả các bên đã đặt bút ký thỏa thuận 2015 cần thực hiện cam kết của mình “bằng những hành động tích cực”.
Ngay sau khi ông Donald Trump đặt bút ký sắc lệnh xóa bỏ các hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch mà người tiền nhiệm Barack Obama ban hành trước đó, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đã đồng loạt lên tiếng.
Trong khi EU phê phán trực diện không e ngại thì Trung Quốc tranh thủ cơ hội để tăng cường tầm ảnh hưởng của mình với tuyên bố sẽ tuyệt đối tôn trọng hiệp ước Paris về môi trường.
Cơ hội ngoại giao và kinh tế
Liên minh châu Âu đưa ra một trong những chỉ trích chính thức đầu tiên nhằm vào Mỹ, tỏ ra “lấy làm tiếc” về quyết định hoãn triển khai Kế hoạch Năng lượng Sạch mà ông Obama khai sinh ra, trong đó yêu cầu giảm phát thải khoảng 870 triệu tấn khí CO2 từ các nhà máy sản xuất điện vào năm 2030 – tương đương giảm 32% so với mức phát thải năm 2005.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định “Là một nước đang phát triển có trách nhiệm, Trung Quốc có kế hoạch, quyết tâm và chính sách quyết liệt để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu”.
Cho dù không đả động đến nước Mỹ song vị này vẫn “ẩn ý” nhắc nhở tất cả các bên đã đặt bút ký thỏa thuận 2015 cần thực hiện cam kết của mình “bằng những hành động tích cực”.
Những phát ngôn như trên chính là tín hiệu cho thấy Trung Quốc đã sẵn sàng thay thế Mỹ ở vai trò tiên phong toàn cầu chống biến đổi khí hậu. Nhận thấy Mỹ không mặn mà với các tiến trình đa phương,
Trung Quốc lập tức “phất cờ” bởi điều này không chỉ cải thiện hình ảnh của quốc gia đông dân nhất thế giới mà còn phù hợp với chiến lược “Một vành đai, Một con đường” mà Bắc Kinh đang theo đuổi để mở rộng phạm vi ảnh hưởng và các mối quan hệ thương mại quốc tế.
James Cameron, luật sư tư vấn cho chính phủ một số nước trong quá trình đàm phán về khí hậu của Liên Hợp Quốc nhận định “Đây thực sự là cơ hội ngoại giao cũng như cơ hội kinh tế cho Trung Quốc”.
Vị thế tương lai của EU và Trung Quốc cũng được Miguel Arias Canete, tùy viên về khí hậu và năng lượng của EU nhấn mạnh trong chuyến thăm Bắc Kinh “Một kỷ nguyên mới về chống biến đổi khí hậu đã bắt đầu. Cả EU và Trung Quốc đều đã sẵn sàng đi tiên phong”.
![]() |
“Một kỷ nguyên mới về chống biến đổi khí hậu đã bắt đầu. Cả EU và Trung Quốc đều đã sẵn sàng đi tiên phong”.
Nỗ lực hơn khi thiếu Mỹ?
Chính sách Kế hoạch Năng lượng Sạch trước đây nằm trong số các biện pháp mà Mỹ đưa ra để thực thi hiệp định Paris 2015. Hiệp định Paris đã phải rất khó khăn mới được thông qua sau hàng loạt nỗ lực ngoại giao căng thẳng giữa hai nước gây ô nhiễm lớn nhất là Trung Quốc và Mỹ, nhằm ràng buộc cả hai vào một vấn đề chung mang tính toàn cầu.
Điều đáng lo ngại là sự chuyển hướng của chính quyền Mỹ đương nhiệm mà thống đốc bang California Jerry Brown, thuộc đảng Dân Chủ, gọi là quyết định “tồi tệ và thiếu hiểu biết”, có thể tạo tiền lệ xấu, khơi mào cho nước khác làm theo và hủy hoại nỗ lực, thành quả của cả trăm quốc gia.
Một số nghị sĩ ở một nước giàu nhiên liệu hóa thạch như Australia cho biết nếu ông Trump rút khỏi thỏa thuận Paris thì Canberra nên xem xét lại quan điểm. Trong khi đó, giới phân tích ở Ấn Độ, nước xả thải cacbon lớn thứ ba thế giới, thì tin rằng New Delhi sẽ vẫn “trước sau như một” đối với những gì đã cam kết.
Dù các ý kiến có phần trái ngược nhau nhưng tất cả đều thừa nhận rằng hành động của Mỹ sẽ ít nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới hiệp định Paris và tới mục tiêu ngăn nhiệt độ trái đất tăng quá 2oC – một giới hạn mà các nhà khoa học cho là sẽ khiến nước biển dâng, thời tiết cực đoan và nhiều thiệt hại tai ương khác.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lại lạc quan rằng, biết đâu đấy, vì thiếu đi sự nhiệt tình của Mỹ mà các quốc gia còn lại của hiệp định Paris sẽ cảm thấy có trách nhiệm hơn và hành động một cách khẩn trương và quyết liệt hơn.
Hải Châu