Hai năm trở lại đây chứng kiến nhiều tập đoàn nhà nước của Trung Quốc thành lập quỹ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ.
CMG, một trong những doanh nghiệp quốc doanh lớn nhất của Trung Quốc với doanh thu năm 2017 đạt khoảng 88 tỷ USD và tổng tài sản lên đến 1.100 tỷ USD, cũng không nằm ngoài xu hướng này, khi bắt tay với một số tập đoàn trong nước bằng khoản đầu tư 40 tỷ NDT.
Tham vọng lớn của đại gia
Một điểm thú vị, là doanh nghiệp này không đặt trụ sở ở Bắc Kinh như thông thường, mà lại chọn Hồng Kông. Tiền thân của CMG là một tổ chức vận tải dưới triều đại nhà Thanh được thành lập từ năm 1872, với ngành nghề hoạt động hầu như không liên quan gì tới hiện tại.
Trong những năm qua, CMG ngày càng tập trung đầu tư vào công nghệ và gần đây đã được chính phủ cho phép công ty con China Merchants Fund (CMF) thành lập một quỹ tham gia vào các thương vụ IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) trong lĩnh vực công nghệ với tư cách các nhà đầu tư lớn. CMF cũng là 1 trong 7 nhà đầu tư lớn của Xiaomi.
Cùng hợp tác với CMG trong kế hoạch lần này còn có Centricus của Anh - công ty đầu tư từng hỗ trợ tập đoàn SoftBank (Nhật Bản) xây dựng quỹ đầu tư công nghệ và SPF Group - một đơn vị quản lý quỹ ở Bắc Kinh. Centricus và SPF Group sẽ chịu trách nhiệm gọi nốt số vốn còn lại (60 tỷ NDT) từ các chính phủ, trường đại học và các công ty công nghệ khác.
Centricus hiện được dẫn dắt bởi cựu Giám đốc điều hành Deutsche Bank, Nizar Al-Bassam và cựu Giám đốc Goldman Sachs, Dalinc Ariburnu, những người có mối quan hệ thân thiết với các quỹ tại vùng Vịnh và từng giúp SoftBank gọi được 60 tỷ USD tiền đầu tư từ các quỹ nhà nước của Ả-Rập Xê-Út và Abu Dhabi.
Trong khi đó, SPF Group có sự tham gia quản lý của Joshua Fink, con trai nhà sáng lập quỹ đầu tư sừng sỏ BlackRock.
Với tên gọi “Quỹ công nghệ kỷ nguyên mới của Trung Quốc”, cũng không khó hiểu khi quỹ mới sẽ chủ yếu đầu tư vào các công ty công nghệ của Trung Quốc và với quy mô giao dịch trên toàn cầu.
Điều này tất nhiên sẽ khiến nhiều nước phương Tây lưu tâm cảnh giác, vì đã sẵn có nhiều bài học về sự bành trướng của doanh nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao thông qua các hoạt động mua bán sáp nhập.
CMG - một trong những doanh nghiệp quốc doanh lớn nhất của Trung Quốc |
Đầu tư cho tương lai
Cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra nhanh hơn nhiều so với dự kiến và dẫn đến một cuộc chạy đua để đầu tư vào lĩnh vực này. Đặc biệt, các nhà đầu tư toàn cầu đang ra sức tập hợp nguồn vốn lớn hòng cạnh tranh với “gã khổng lồ” SoftBank.
Tuần trước, công ty đầu tư mạo hiểm Sequoia Capital đã huy động được 6 tỷ USD đầu tiên trong tổng mục tiêu 8 tỷ USD nhằm “tăng hỏa lực” để cạnh tranh với SoftBank.
Năm 2016, chính phủ Trung Quốc đã cho ra đời một quỹ đầu tư mạo hiểm trị giá 30 tỷ USD nhằm nâng cấp hàm lượng công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp của nước này.
Nhìn chung, các quỹ của Trung Quốc chủ yếu tập trung đầu tư trong nước. Song một số quỹ, chẳng hạn như China Reform Holdings, thường tài trợ cho các quỹ thứ ba trong các thương vụ thâu tóm tài sản nước ngoài.
Với bối cảnh như vậy, quỹ mới hình thành của CMG được đặt rất nhiều kỳ vọng bởi quy mô vốn khả dụng và khả năng tiếp cận những thị trường lớn.
Tuy nhiên, cuộc đua huy động vốn giữa các quỹ cũng làm dấy lên lo ngại về việc giá trị thực của nhiều thương vụ đầu tư của ngành công nghệ đang bị thổi phồng và có không ít trường hợp mục tiêu đầu tư thua lỗ bết bát mà vẫn được định giá cao ngất ngưởng.
Nguyên nhân có thể kể đến như dòng tiền tương lai được dự báo một cách lạc quan “tếu” vì doanh nghiệp xây dựng kế hoạch tăng trưởng ở mức bất khả thi, thổi phồng doanh thu qua các giao dịch với các công ty chị em trong cùng tập đoàn (chuyển giá)...
Hải Châu