Xét về quy mô sản xuất phương tiện chạy nhiên liệu hóa thạch thì Trung Quốc hiện đang là nhất thế giới.
Theo lộ trình mà Bắc Kinh đang nghiên cứu, 8% doanh số của các hãng xe hơi phải là xe chạy bằng điện hoặc xe sử dụng nhiên liệu hỗn hợp vào năm 2018, rồi tăng lên 10% vào năm 2019 và 12% vào năm 2020.
Cú hích từ thị trường khổng lồ
Như vậy, Trung Quốc là thị trường lớn nhất quyết định cắt giảm số lượng xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch và chuyển hướng sang sử dụng xe “sạch”.
Động thái này được kỳ vọng sẽ có tác động sâu sắc không chỉ với tăng trưởng của ngành công nghiệp ôtô Trung Quốc mà còn với cả môi trường, giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thực hiện được cam kết hạn chế lượng khí thải carbon vào năm 2030 cũng như tình trạng ô nhiễm không khí đang diễn biến ngày càng tồi tệ. Lệnh cấm đối với ôtô động cơ đốt trong truyền thống sẽ khuyến khích các nhà sản xuất cả trong và ngoài nước tập trung nguồn lực vào những dòng xe điện ít khí thải, giúp làm sạch các thành phố lớn đang bị “ngộp thở” trong bầu không khí đầy khói bụi.
Trước đó trên thế giới mới chỉ có Anh và Pháp ra tuyên bố khai tử dần dần các xe sử dụng xăng và dầu diesel. Tháng 7 năm ngoái, Anh tuyên bố đến năm 2040 sẽ cấm hẳn việc kinh doanh xe chạy xăng và dầu diesel.
![]() |
Trung Quốc đặt mục tiêu tăng lượng xe ôtô chạy bằng điện từ năm 2018
Hai tuần sau đó, Pháp đưa ra một kế hoạch tương tự nhằm giảm ô nhiễm không khí và góp phần đạt được mục tiêu giữ cho trái đất nóng lên dưới 20oC. Na Uy và Hà Lan cũng đang cân nhắc tiếp bước xu hướng này.
Dù vậy, việc áp dụng biện pháp trên tại một thị trường đông dân như Trung Quốc có thể cần nhiều thời gian hơn là cột mốc 2040, đồng nghĩa cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng vẫn chưa phải quá vội vã.
Ưu tiên doanh nghiệp nội
Dù cuộc đua giành thị phần xe điện tại Trung Quốc có sự xuất hiện nhiều tên tuổi lớn như Tesla, Nissan Motor, General Motors, song các nhà sản xuất ôtô nội địa đã đạt được những thành công đáng kể nhờ chương trình trợ cấp lớn của chính phủ. Đấy là chưa kể yêu cầu các nhà sản xuất ôtô phải có đủ điều kiện xả thải theo một chương trình mới về tiết kiệm nhiên liệu và phát thải.
Theo thống kê của Hiệp hội Ôtô chở khách Trung Quốc, công ty BYD hiện dẫn đầu thị trường nước này trong 7 tháng đầu năm nay, với 46.855 xe điện và xe sử dụng nhiên liệu hỗn hợp đã tiêu thụ. Beijing Electric Vehicle - công ty con chuyên về xe điện của doanh nghiệp nhà nước BAIC Motor, bám ngay sau với 36.084 chiếc.
Trong khi đó, General Motors mới bán được 738 xe kể từ khi giới thiệu mô hình Velite 5 hồi tháng 4 năm nay, tương đương có 0,04% trong tổng số 2,1 triệu xe bán ra ở Trung Quốc bảy tháng qua.
Một “ông lớn” khác, là Honda Motor, thì dự kiến đến năm 2018 mới giới thiệu xe điện mới tại thị trường Trung Quốc, sau thời gian kết hợp nghiên cứu phát triển cùng liên doanh hai công ty nội địa Honda Guangqi và Honda Dongfeng. Trong khi đó, Nissan sẽ cho ra mắt mẫu xe điện nâng cấp Leaf EV vào năm 2018, hoặc 2019.
Bên cạnh các “ông lớn” nhiều năm kinh nghiệm, lĩnh vực xe điện Trung Quốc cũng thu hút sự tham gia của nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ. Hãng Nio sẽ bắt đầu bán ES8, một dòng xe SUV chỉ sử dụng pin, vào giữa tháng 12 năm nay.
Công ty này cũng đang hợp tác với tập đoàn ôtô quốc doanh Anhui Jianghuai để xuất xưởng SUV điện vào năm tới. Trong khi đó, Tesla đang làm việc với chính phủ Trung Quốc để xem xét phương án sản xuất xe tại đây, một động thái sẽ mang lại lợi thế kinh tế nhờ quy mô và giảm chi phí sản xuất, lao động cũng như vận chuyển.
Trung Quốc đã thể hiện rõ định hướng của mình, cho dù quá trình này sẽ phức tạp và mất nhiều thời gian để cơ quan quản lý đưa ra một kế hoạch hành động cụ thể. Tuy nhiên, ít nhất thì các doanh nghiệp sản xuất xe hơi cũng nhìn thấy một lối đi đã được mở ra.
Hải Châu