Một vấn đề rất lớn khác tại Trung Quốc, là sinh viên không được đào tạo trúng đích, dẫn đến tình trạng “cung không gặp cầu” trên thị trường lao động.
“Tự cung tự cấp” nguồn nhân lực
Kweichow Moutai dự kiến chi 1,5 tỷ Nhân dân tệ (220 triệu USD) để xây dựng một trường đại học có “bản sắc” riêng, với 5.000 sinh viên và các ngành học đặc thù như nấu rượu, trồng nho, an toàn thực phẩm, marketing... để đáp ứng nhu cầu cho chính mình. Trường được xây dựng tại tỉnh Quý Châu, cũng là nơi đặt trụ sở công ty, dự kiến khai giảng vào đầu năm tới. Sau tốt nghiệp, học viên có cơ hội làm việc chính thức cho hãng Kweichow Moutai và giải tỏa được phần nào mối lo thất nghiệp.
Gọi là “trường đại học”, nhưng mô hình mà Kweichow Moutai xây dựng có nhiều điểm tương đồng với trường dạy nghề hơn. Phù hợp với chủ trương mà chính phủ Trung Quốc đẩy mạnh triển khai, nhằm đối phó với tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
Dù thiên hẳn về dạy nghề, song dường như trường Moutai không muốn trói mình trong danh xưng ấy, khi cố gắng mang lại một bầu không khí “đại học” rõ ràng với khuôn viên rộng tới 13 ha (đã là tương đối lớn cho các trường đại học “xịn”) và một thư viện lưu trữ 500.000 đầu sách.
![]() |
40% sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp mới phải làm việc trái với chuyên ngành đào tạo
Kweichow Moutai là hãng sản xuất rượu rất nổi tiếng của Trung Quốc, được biết đến với loại rượu trắng Mao Đài trứ danh - “Quốc tửu” của Trung Quốc. Hồi tháng 4 vừa qua, hãng này đã vượt qua Diageo, nhà sản xuất rượu Johnnie Walker, để trở thành công ty rượu lớn nhất thế giới tính theo giá trị vốn hóa trên thị trường, mặc dù doanh số bán hàng có sụt giảm ít nhiều do ảnh hưởng từ chiến dịch chống tham nhũng, lãng phí của Trung Quốc.
Trước tình trạng thiếu hụt lao động chất lượng ngày càng trầm trọng, nhiều công ty Trung Quốc đã phải xây dựng các chương trình đào tạo nội bộ dưới hình thức trường dạy nghề như trường Moutai, để cung cấp nguồn lao động làm việc tại chỗ.
Chỗ thừa chỗ thiếu
Từ năm 2011 - 2015, Trung Quốc đã có thêm gần 500 trường đại học mới và đào tạo thêm 5 triệu sinh viên mỗi năm. Nhưng lượng lớn sinh viên không được đào tạo trúng đích, dẫn đến tình trạng “cung không gặp cầu” trên thị trường lao động. Kết quả điều tra năm 2016 cho thấy, có tới 40% sinh viên mới tốt nghiệp phải làm việc trái với chuyên ngành đào tạo.
Trước những lo ngại về tình trạng thất nghiệp của lao động trẻ, năm 2015, chính phủ Trung Quốc quyết định chuyển hướng trở lại đào tạo nghề, cam kết nâng tổng số đăng ký vào các trường dạy nghề và cao đẳng từ 29,34 lên 38,3 triệu vào năm 2020.
Tuy nhiên, với thực tế là trong gần 2 thập kỷ qua, chỉ những học sinh tệ nhất mới “chọn” vào các trường đào tạo nghề, thì việc xoay chuyển tình thế trong thời gian ngắn quả là nhiệm vụ bất khả thi. Đấy là chưa kể việc chính phủ khuyến khích mô hình sản xuất bằng công nghệ cao có thể khiến nhu cầu lao động giảm, mô hình giáo dục dạy nghề tiếp tục dậm chân tại chỗ.
Mặc dù từng có một thời hoàng kim, nhưng kể từ cuối những năm 1990, các trường dạy nghề tại Trung Quốc ngày càng tụt hậu cả về chất lượng lẫn số lượng sinh viên theo học, do tác động của trào lưu chăm chăm phát triển các trường đại học đẳng cấp thế giới tại Trung Quốc. Các sinh viên giỏi nhất được đưa đến các trường đại học, chứ không phải là các trường dạy nghề.
Dù vậy, về lâu dài, nhiều người kỳ vọng các công ty tư nhân lớn tại những nơi mà nguồn lực còn hạn chế có thể thể cân nhắc sử dụng mô hình trường nghề này.
Tập đoàn điện tử tiêu dùng Haier là một trong những doanh nghiệp tiên phong xây dựng trường đào tạo riêng của mình, vào năm 1999, tại thành phố cảng Thanh Đảo. Sinh viên tốt nghiệp chương trình này sẽ được đảm bảo mức lương tối thiểu.
Tập đoàn viễn thông Huawei cũng đã xây dựng một trường học tương tự vào năm 2005 và đào tạo hơn 1.200 nhân viên để chủ động nhân lực về công nghệ mới.
Hải Châu