Theo thông báo ngày 30/3, PBOC sẽ hạ lãi suất đối với các hợp đồng repo đảo ngược kỳ hạn 7 ngày, từ 2,4% xuống 2,2%. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương sẽ bơm thêm 50 tỷ CNY (7,1 tỷ USD) vào hệ thống ngân hàng. PBOC cho biết động thái này sẽ đảm bảo đủ thanh khoản để hỗ trợ nền kinh tế.
Đây là lần hạ lãi suất đầu tiên của PBOC kể từ tháng 2, thực hiện theo đúng cam kết của các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhằm tăng cường biện pháp hỗ trợ nền kinh tế, thông qua hoạt động tăng lượng bán ra trái phiếu chính phủ, do nhu cầu trong nước và quốc tế sụt giảm vì đại dịch. Ngoài ra, động thái này của PBOC cũng tương tự như những Ngân hàng Trung ương trên toàn thế giới – đã nới lỏng chính sách tiền tệ đáng kể trong những tuần gần đây.
![]() |
Trung Quốc hạ lãi suất mạnh nhất kể từ 2015, bơm thêm hơn 7 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng(Ảnh Internet) |
Raymond Yeung, kinh tế gia trưởng Trung Quốc tại Australia & New Zealand Banking Group, nhận định: "Việc Trung Quốc cắt giảm lãi suất ở mức cao hơn thường lệ là một dấu hiệu cho thấy quốc gia này đã có động thái phối hợp để hỗ trợ ổn định kinh tế. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang dần sụp đổ vì thiếu dòng tiền."
Việc cắt giảm lãi suất của PBOC điều tiết thanh khoản thị trường cũng là dấu hiệu cho thấy sẽ có một đợt cắt giảm khác trong năm, đồng thời dẫn tới việc cắt giảm lãi suất tiền gửi. Việc giảm lãi suất chính sách cũng cần được phản ánh trong các chỉ số tham chiếu của thị trường như chi phí vay của doanh nghiệp, lãi suất cho vay cơ bản.
Ding Shuang – kinh tế gia trưởng Trung Quốc đại lục và Bắc Á tại Standard Chartered, cho biết: "Việc hạ lãi suất cho vay của các ngân hàng mà không cắt giảm chi phí nợ sẽ tạo áp lực cho tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của các ngân hàng, khiến lợi nhuận và vốn nền của họ sụt giảm. Việc đưa ra mức lãi suất tiền gửi chuẩn là điều cần thiết."
Theo nội dung cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc hôm thứ Sáu, nước này sẽ nâng mức thâm hụt tài khoá theo tỷ lệ GDP, phát hành trái phiếu chính phủ đặc biệt và cho phép các chính quyền địa phương bán thêm trái phiếu cơ sợ hạ tầng theo một phần của gói hỗ trợ ổn định kinh tế. Ngoài ra, PBOC cũng kêu gọi sự phối hợp hiệu quả hơn đối với các chính sách vĩ mô toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh thêm một lần nữa rằng sẽ đảm bảo đủ thanh khoản để hỗ trợ nền kinh tế và đề phòng rủi ro lạm phát.
VT