Nếu mọi việc suôn sẻ cho Trung Quốc tại cuộc họp ban điều hành IMF hôm 30/11 tới đây, nó sẽ đánh dấu sự thay đổi lớn đầu tiên của SDR, kể từ khi đồng Euro gia nhập, năm 1999.
![]() |
NDT sẽ trở thành đồng tiền thứ năm trong rổ tiền tệ dữ trữ quốc tế
Chưa bao giờ tiến gần đến thế
SDR, hay “Quyền rút vốn đặc biệt”, được IMF đặt ra năm 1969 để thúc đẩy thanh khoản toàn cầu, khi hệ thống Bretton Woods về tỷ giá hối đoái cố định bị gỡ bỏ. Trước đó, các nước tham gia hiệp ước Bretton Woods phải bảo đảm dự trữ vàng hoặc tiền tệ mạnh để có thể sử dụng nó mua vào nội tệ khi cần thiết, nhằm duy trì tỷ giá hối đoái. Tuy nhiên, với sự phát triển của thương mại và tài chính quốc tế, nguồn lực dự trữ chủ yếu bằng vàng và USD của các quốc gia không đủ đáp ứng, dẫn tới sự ra đời của SDR như một nguồn bổ sung đắc lực.
Theo thông tin từ Tổng giám đốc IMF - Christine Lagarde, sau quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng, các chuyên gia của tổ chức này xác nhận đồng NDT đã đáp ứng đủ hai tiêu chí để được gia nhập rổ tiền tệ dự trữ quốc tế, là “được sử dụng rộng rãi” và “có thể tự do sử dụng”.
Trên thực tế, Trung Quốc là quốc gia có kim ngạch thương mại lớn nhất thế giới, nên đồng NDT đã đáp ứng tiêu chí “được sử dụng rộng rãi” từ trước. Quá trình xem xét của IMF vì thế tập trung vào việc đồng tiền này “có thể tự do sử dụng” hay không.
Khái niệm “có thể tự do sử dụng” là thuật ngữ dùng để chỉ một loại tiền tệ được sử dụng rộng rãi trong các giao dịch quốc tế và trên thị trường ngoại hối. Các chuyên gia IMF đã phải tìm hiểu xem đồng NDT có thể được 188 nước thành viên IMF sử dụng khi cần thiết hay không, nếu nhận được các khoản vay bằng đồng tiền này. Còn đối với Trung Quốc, việc đáp ứng tiêu chí thứ hai đồng nghĩa phải mở cửa thị trường trái phiếu trong nước.
Cuối tuần qua, sau khi xem xong kết quả nghiên cứu của đội ngũ chuyên gia, bà Lagarde bày tỏ quan điểm “đồng tình” và cho biết thêm: “Nhà chức trách Trung Quốc đã giải quyết tất cả những vấn đề tồn tại từng được đề cập trong phân tích sơ bộ hồi tháng 7”.
Kết luận của chuyên gia IMF khiến khả năng NDT trở thành đồng tiền thứ năm trong rổ tiền tệ dự trữ quốc tế có 99% hiện thực hóa, bởi các thành viên chủ chốt trong IMF, như Mỹ và EU đều khẳng định sẽ ủng hộ NDT gia nhập rổ tiền SDR, miễn là nó đáp ứng đủ điều kiện.
Vì SDR mà sẵn sàng cải tổ
Khi đó, nhiều nước có thể thoải mái sử dụng NDT hoặc tích lũy NDT trong quỹ dự trữ ngoại hối của mình. Theo ước tính của ngân hàng Standard Chartered và quỹ quản lý đầu tư AXA, sẽ có ít nhất 1.000 tỷ USD dự trữ toàn cầu được chuyển đổi thành tài sản có liên quan đến Trung Quốc, một khi NDT chính thức trở thành một cấu phần của SDR. Còn nhớ, trong một báo cáo cách đây 3 tháng, IMF nhận định đồng NDT chưa thể so bì với đồng USD hay Euro về mức độ “ưa thích” làm đồng tiền dự trữ, phát hành nợ hay giao dịch trên thị trường tiền tệ, cùng một số tiêu chí quan trọng khác. Theo đề xuất của chuyên gia, IMF quyết định hoãn thời gian công nhận NDT vào rổ tiền tệ thêm 9 tháng, tức là đến cuối tháng 9/2016.
Kể từ đó, Ngân hàng Trung ương và Bộ Tài chính Trung Quốc đã triển khai hàng loạt biện pháp khắc phục để làm vui lòng IMF, bao gồm thay đổi cơ chế lãi suất tham chiếu, hay cho phép ngân hàng Trung ương nước ngoài kinh doanh các sản phẩm tiền tệ trong nước và phát hành nợ 3 tháng.
Thống đốc Ngân hàng Trung Quốc Zhou Xiaochuan từng khéo léo bóng gió rằng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã làm lộ ra những nguy cơ tiềm ẩn trong hệ thống tiền tệ thế giới, vốn dựa dẫm khá nhiều vào các đồng tiền dự trữ quốc gia. Dù không trực tiếp nhắc đồng NDT, song ông Zhou cho rằng SDR nên đảm nhận vai trò là một đồng tiền dự trữ “siêu chủ quyền” và mở rộng rổ tiền tệ cho tất cả các nền kinh tế lớn.
Hùng Anh