Tại Hội nghị Thượng đỉnh lãnh đạo các nước BRICS kéo dài 3 ngày, diễn ra ở thành phố Hạ Môn (phía Đông Nam tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc), ông Tập Cận Bình đã tuyên bố sẵn sàng tài trợ 500 triệu Nhân dân tệ (tương đương 76,4 triệu USD) cho các dự án hợp tác kinh tế và công nghệ của BRICS, cùng với 4 triệu USD nữa cho các dự án của Ngân hàng Phát triển mới (NDB) - một ngân hàng phát triển đa phương của các quốc gia khối BRICS.
Siết chặt hợp tác
Khoản đóng góp này của Trung Quốc là không hề nhỏ, nhưng cũng chưa đáng kể gì khi đem ra so sánh với số tiền 124 tỷ USD mà nước này cam kết hồi đầu tháng 5, để xúc tiến triển khai sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” - một ý tưởng dài hơi hướng đến việc mở rộng các mối liên kết giữa châu Á, châu Phi, châu Âu và xa hơn nữa nhằm mở ra cơ hội mới thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu.
Tuyên bố của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh xuất hiện những thắc mắc về sự liên quan giữa các cam kết đóng góp của BRICS và Trung Quốc vào NDB và Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB), bởi đây đều là những thực thể mà Bắc Kinh đứng đằng sau để cụ thể hóa tham vọng gia tăng tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế.
Trong một phiên họp toàn thể của BRICS, ông Tập Cận Bình đã bày tỏ quan điểm của mình về việc cả 5 nền kinh tế trong khối cần đẩy mạnh hợp tác trong những lĩnh vực cụ thể, như thương mại và đầu tư, tài chính và chính sách tiền tệ, hay phát triển bền vững.
Từ khi được thành lập năm 2015 với sứ mệnh làm đối trọng, thậm chí thay thế Ngân hàng Thế giới (World Bank), NDB được đánh giá là thành tựu đáng kể đầu tiên của BRICS khi bước sang tuổi thứ 6, với mục tiêu có tiếng nói lớn hơn trong hệ thống tài chính toàn cầu mà phương Tây đang chi phối.
Hội nghị ở Hạ Môn là cơ hội rất tốt để Trung Quốc củng cố vị thế
Hội nghị ở Hạ Môn là cơ hội rất tốt để Trung Quốc củng cố vị thế tiên phong của mình trong phong trào toàn cầu hóa, đi ngược lại chính sách bảo hộ “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo Reuters, ngôn từ trong “Tuyên bố Hạ Môn” cho thấy các nước BRICS sẽ kiên quyết phản đối tư tưởng bảo hộ, đồng thời cam kết ủng hộ hệ thống thương mại đa phương “mở cửa và toàn diện”. Thông cáo chung của BRICS cũng kêu gọi các quốc gia thành viên thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các cam kết của thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris.
“Bóng mây đen” hạt nhân
Hội nghị BRICS phần nào bị lu mờ trên truyền thông bởi sự kiện Triều Tiên bắn thử vũ khí hạt nhân hôm 3/9, chỉ vài giờ trước khi ông Tập Cận Bình đọc diễn văn khai mạc.
Mặc dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, nhưng ông Tập lại không đề cập chút nào trong suốt bài phát biểu dài 45 phút của mình, hay trong phần nhận xét ở phiên họp toàn thể hôm 4/9.
Trong dự thảo thông cáo của Hội nghị, các nước BRICS bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng, đồng thời nhấn mạnh vấn đề hạt nhân chỉ nên được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình và đối thoại.
Triều Tiên đã tiến hành phóng thử 2 tên lửa liên lục địa (ICBM) trong tháng 7 và đạt được tầm bay 10.000 km, tức là đủ sức vươn tới nhiều vùng của nước Mỹ, khiến Mỹ tức tối đáp trả bằng các lệnh trừng phạt nghiêm khắc mới từ quốc tế.
Dù “cau mày” với các vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng, song Trung Quốc - đồng minh thân thiết nhất của Triều Tiên - cũng không hài lòng trước quan điểm của các nước phương Tây, khi cho rằng Trung Quốc phải có trách nhiệm vì để Triều Tiên hành xử “bất cần” như vậy.
Hải Châu