Đại sứ Mỹ Dennis Shea một mực khẳng định “chuyển giao công nghệ cưỡng bức” là một quy tắc bất thành văn đối với các công ty nước ngoài muốn tiếp cận thị trường Trung Quốc, đặc biệt là trong trường hợp hợp tác với doanh nghiệp nhà nước hoặc công ty có “dính dáng” đến chính quyền.
“Bắt buộc” chuyển giao công nghệ
Cụ thể, những quy định cấp phép và hành chính của Trung Quốc buộc các công ty nước ngoài phải chia sẻ công nghệ của mình nếu muốn hoạt động tại nước này; trong khi các quan chức chính phủ tìm cách lợi dụng những quy định đầu tư không rõ ràng để áp đặt yêu cầu chuyển giao công nghệ.
Phía Mỹ cho rằng những quy định như vậy là không hợp lý, không đúng tinh thần của luật pháp nói chung, nhưng trên thực tế lại đang hiện hữu trong các luật của Trung Quốc.
Như vậy, về cơ bản, Trung Quốc đã cố tình thực hiện việc theo đuổi công nghệ tiên tiến của các nước khác một cách có hệ thống theo định hướng nhà nước và phi thị trường để phục vụ chính sách công nghiệp của mình.
Điều này sẽ gây thua lỗ cho các tất cả các nhà đầu tư nước ngoài, chứ không riêng gì Mỹ. Và, nếu các chính sách của Trung Quốc không được kiểm soát, rồi đây, tất cả các nước sẽ phải chứng kiến khả năng cạnh tranh của mình bị sụt giảm mạnh.
Trung Quốc ngay lập tức bác bỏ thẳng thừng những lời chỉ trích kể trên. Đại sứ nước này - ông Zhang Xiangchen, tuyên bố trong cuộc họp rằng không có chuyện bắt buộc các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ ở Trung Quốc và lập luận của Mỹ rõ ràng dựa trên những giả định không chính xác.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng chỉ trích việc Cơ quan Đại diện thương mại Mỹ (USTR) không đưa ra được bất kỳ một bằng chứng đáng tin cậy nào, trong khi một số tuyên bố gần như là phỏng đoán hoàn toàn. Thậm chí, USTR còn “phiến diện” đến mức nhìn nhận hoạt động M&A của Trung Quốc là một “âm mưu” của chính phủ nước này.
Cáo buộc lần này của Mỹ là nguyên nhân chính dẫn đến căng thẳng thương mại giữa hai nước |
Trung Quốc thẳng thừng bác bỏ
Ông Zhang cũng nhấn mạnh rằng chuyển giao công nghệ là hoạt động thương mại thông thường và được hưởng lợi nhiều nhất chính là nước Mỹ.
Trong khi đó, sự đổi mới của Trung Quốc được thúc đẩy nhờ tính chuyên cần, văn hóa kinh doanh của người Trung Quốc, đầu tư hiệu quả vào giáo dục - nghiên cứu cũng như nỗ lực cải thiện bảo vệ sở hữu trí tuệ. Vì thế, chẳng lý do gì phải “làm khó nhau” như những lập luận của Mỹ cả.
Cáo buộc lần này của Mỹ là nguyên nhân chính dẫn đến căng thẳng thương mại giữa hai nước thời gian qua, với hai vụ kiện và một kế hoạch của Nhà Trắng nhằm áp thuế trừng phạt lên tới 50 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc.
Dù Trung Quốc khẳng định không mong muốn một cuộc chiến thương mại, nhưng Bắc Kinh cũng đáp trả với một danh mục các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Mỹ sẽ bị đánh thuế.
Tuy nhiên, chừng nào còn là thành viên WTO, Mỹ còn chịu ràng buộc của các quy định chung và cần sự ủng hộ của tổ chức này để áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng có thể sử dụng quyền lợi thành viên của mình để gửi đơn khiếu nại yêu cầu WTO có hành động ngăn chặn kế hoạch này, và thực tế là nước này đã làm như vậy.
Mặt khác, nếu tranh chấp không được giải quyết một cách hữu nghị sau 60 ngày, bên khiếu nại có thể yêu cầu vụ việc được xét xử bởi Ban hội thẩm của WTO.
Điều này có thể dẫn đến leo thang tranh chấp và biến nó thành một vụ kiện kéo dài nhiều năm trời. Do Mỹ đã nộp đơn khiếu nại từ tháng 3, nên có thể sử dụng cuộc họp giải quyết tranh chấp hôm thứ Hai vừa qua để tiến hành giải pháp này và Trung Quốc cũng có thể làm điều tương tự trong cuộc họp vào tháng tới.
Kể từ khi tranh chấp nổ ra, chính sách thương mại Mỹ - Trung dần trở thành chủ đề chính trong các cuộc đàm phán song phương cấp cao.
Tuần trước, ông Trump đã phát ngôn đầy ẩn ý rằng thỏa thuận thương mại với Trung Quốc đang tiến triển tốt đẹp nhưng có thể sẽ cần một “cơ cấu khác”.
Hải Châu