Đây là một ví dụ nữa cho thấy các chính sách tiền tệ phi truyền thống đã và đang khiến lý thuyết đầu tư thông thường trở nên… bất thường như thế nào.
Theo thông báo gửi đến nhà đầu tư, hãng dược phẩm Sanofi (Pháp) phát hành một tỷ euro trái phiếu ba năm với lợi suất âm 0,05%, trong khi nhà sản xuất đồ gia dụng Henkel (Đức) phát hành 500 triệu euro trái phiếu hai năm với lợi suất tương đương.
Hiện tượng hiếm gặp
Lợi suất âm đồng nghĩa với việc bên đi vay chỉ phải thanh toán đúng khoản nợ gốc, thậm chí còn được nhà đầu tư (tức bên cho vay) trả cho một khoản phí. Một tình huống khó có thể lý tưởng hơn cho những đối tượng đang cần vay vốn.
Có nhiều cách giải thích cho hiện tượng kỳ lạ này, tùy từng điều kiện cụ thể. Đó có thể là do ngân hàng trung ương quá phụ thuộc vào chiến dịch mua trái phiếu quy mô lớn nhằm bơm tiền kích thích nền kinh tế, hoặc do nhà đầu tư muốn tranh thủ kiếm lời từ chênh lệch giá, hay đơn thuần là dấu hiệu cảnh báo kinh tế sắp lâm nguy khiến nhà đầu tư phải lao đi tìm kiếm các tài sản an toàn. Tất cả đều dẫn tới việc giá thị trường bị đẩy lên còn lợi suất, vốn chuyển động ngược chiều với giá, thì giảm xuống.
![]() |
Sanofi mới đây đã phát hành trái phiếu lợi suất âm
Trên thế giới đã có một số nước phát triển phát hành loại trái phiếu đặc biệt kể trên nhưng với doanh nghiệp đây là hiện tượng khá hiếm gặp. Theo thống kê của Dealogic, một công ty công nghệ chuyên về thị trường tài chính, đến nay mới chỉ có tập đoàn dầu khí BP (Anh), hãng sản xuất xe hơi BMW (Đức) và công ty vận hành đường sắt quốc gia Deutsche Bahn (Đức) là từng phát hành trái phiếu lợi suất âm.
Ở châu Âu, việc lợi suất trái phiếu doanh nghiệp rơi vào vùng âm đã được dự báo từ trước, kể từ khi lợi suất trái phiếu chính phủ của nhiều nước đua nhau giảm, từ kỳ hạn ngắn kéo sang kỳ hạn dài.
Lợi suất trái phiếu doanh nghiệp thậm chí chạm mốc thấp chưa từng có trong bối cảnh ECB hạ sâu lãi suất xuống dưới 0% và đẩy mạnh mua vào hàng tỷ euro cả trái phiếu chính phủ lẫn trái phiếu doanh nghiệp.
“Mượn trâu được tặng nghé”
Thống kê của ngân hàng Bank of America Merrill Lynch cho thấy lợi tức trung bình trái phiếu doanh nghiệp bằng đồng euro đã chạm đáy mới là 0,61% vào cuối tháng Tám vừa qua.
Theo công ty chuyên cung cấp dữ liệu thị trường Tradeweb, cũng tại thời điểm cuối tháng 8/2016, đã có khoảng 717 tỷ euro trái phiếu của khu vực eurozone được giao dịch ở mức lợi suất âm, tương đương hơn 30% quy mô của toàn bộ thị trường.
Trong khoảng thời gian ba tháng kể từ khi bắt đầu triển khai chương trình mua trái phiếu, ECB đã mua vào hơn 20 tỷ euro trái phiếu doanh nghiệp, hầu hết trong số đó đến từ thị trường thứ cấp. Ngày 8/9, ECB sẽ tổ chức cuộc họp để quyết định xem có nên mở rộng quy mô của hoạt động trên hay không.
Lợi suất trái phiếu âm về lý thuyết là điều kiện gần như hoàn hảo để các doanh nghiệp trong nền kinh tế tìm đến nhà đầu tư để vay vốn, khi họ không phải trả lãi mà thậm chí “đi mượn trâu còn được tặng nghé”.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu nói chung và khu vực châu Âu nói chung vẫn chưa hoàn toàn phục hồi, lợi suất âm trở thành một giải pháp mang tính đột phá.
Với đợt phát hành trái phiếu của Sanofi và Henkel, giới chuyên gia nhận định thị trường trái phiếu sẽ sôi động trở lại sau một mùa hè tương đối yên ả và đây chính là thời điểm rất thuận lợi để các doanh nghiệp cần vốn lên phương án phát hành.
Đứng trước loại trái phiếu lợi suất âm, hẳn không ít người sẽ tự hỏi “trái phiếu mà phải nộp phí thì ai thèm mua?”. Trên thực tế, nhà đầu tư vẫn sẵn sàng đổ xô đặt hàng bởi họ tính toán rằng nếu ECB tiếp tục tăng cường mua trái phiếu, mặt bằng giá sẽ còn được đẩy lên cao. Đành rằng nhà đầu tư phải trả phí khi mua trái phiếu nhưng chênh lệch giá bán – giá mua có thể đủ lớn để bù lại hết, cộng trừ một hồi vẫn lãi như thường.
Hải Châu