Hội đồng quản trị của Toshiba đã thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu vào hôm Chủ nhật (19/11) và dự kiến quá trình này sẽ kết thúc trước ngày 5/12.
Toshiba sẽ bán 2,28 triệu cổ phiếu mới với mức giá 262,8 Yên/cổ phiếu, thấp hơn 10% so với giá đóng cửa ngày giao dịch 17/11. Trước đó, cổ phiếu của tập đoàn này đã giảm 4,8% giá trị trên sàn giao dịch Tokyo.
Loay hoay bịt lỗ thủng tài chính
Theo tính toán, nếu mọi việc tiến triển thuận lợi, Toshiba sẽ “xóa” được khoản âm vốn lên tới 750 tỷ Yên trên sổ sách tài chính cuối năm tài khóa tháng 3/2018. Hiện có khoảng 60 công ty, trong đó có cả những quỹ đầu tư nổi tiếng như Effissimo Capital Management PTE, đã sẵn sàng nhảy vào mua.
Toshiba cũng đang phải đánh vật với dự án hạt nhân Westinghouse ở Mỹ với thiệt hại hàng tỷ USD. Năm 2006, Toshiba mua Westinghouse với giá 5,4 tỷ USD. Khi ấy, thương vụ này được đánh giá rất triển vọng, nhất là khi chính phủ Mỹ ưu đãi rất nhiều cho lĩnh vực này, như giảm thuế, bảo lãnh đi vay và hỗ trợ chi phí vượt dự toán.
Năm 2008, Westinghouse ký hợp đồng xây 4 lò phản ứng cho 2 nhà máy điện hạt nhân Mỹ là Southern và Scana.
Tuy nhiên, tiến độ chậm, chi phí xây dựng bị đội lên rất nhiều khiến Westinghouse buộc phải đệ đơn xin bảo hộ phá sản hồi tháng 3 năm nay. Kết quả kinh doanh của Toshiba cũng bị ảnh hưởng, khi thua lỗ tới 4,8 tỷ USD trong 3 quý cuối năm 2016.
“Tia sáng cuối đường hầm” có vẻ như cũng bắt đầu le lói với Toshiba, khi một số công ty đầu tư, như Blackstone Group và Apollo Global Management, ngỏ ý sẵn sàng hợp tác để mua lại Westinghouse.
Đồng thời, việc triển khai phát hành thêm cổ phần và xử lý dứt điểm dự án điện hạt nhân Westinghouse được kỳ vọng sẽ giúp Toshiba tiết kiệm đáng kể các nguồn lực tài chính cần thiết, để thay vào đó tập trung cho những kế hoạch khác khả thi và sinh lời tốt hơn.
![]() |
Toshiba từng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế Nhật Bản
Chặng đường toàn chông gai
Toshiba đang rơi vào giai đoạn khủng hoảng có thể xem là vô cùng tồi tệ đối với tập đoàn đã 142 năm tuổi. Toshiba, bao gồm cả các công ty thành viên, từng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế Nhật Bản.
Sau một thời gian làm ăn bết bát, cổ phiếu Toshiba đã tụt xuống phân khúc hạng hai trên sàn chứng khoán Tokyo (TSE) và là lần đầu tiên bị hất văng khỏi Nikkei 225 - một chỉ số đáng tin cậy hàng đầu trong nền công nghiệp Nhật Bản được xây dựng từ năm 1950. Phân khúc hạng hai của sàn TSE bao gồm chủ yếu các công ty nhỏ và có tuổi đời trẻ.
Toshiba đã thua lỗ 995,2 tỷ Yên (tương đương 8,9 tỷ USD) trong năm tài khóa tính đến hết tháng 3/2017, khiến vốn chủ sở hữu bị âm 582 tỷ Yên và đồng nghĩa với việc tự động bị rớt hạng trên TSE. Mọi việc còn có thể tệ hơn, khi cổ phiếu của công ty bị hủy niêm yết, nếu tiếp tục âm 2 năm liên tiếp.
Không phải Toshiba không tìm cách vực dậy tình hình của mình, song nỗ lực của công ty này dường như chưa đi đúng hướng. Quyết định thanh lý mảng kinh doanh chip điện tử để lấy tiền bù lỗ đã gây ra rất nhiều tranh cãi và tạo nên sự hỗn loạn từ trong nội bộ.
Tháng 9 vừa rồi, Toshiba đã phải đồng ý bán Toshiba Memory Corp. với giá 2.000 tỷ Yên (18 tỷ USD) cho một nhóm nhà đầu tư, gồm Bain Capital và các công ty Mỹ khác như Apple, Dell, Kingston Technology, Seagate Technology cùng công ty chip SK Hynix (Hàn Quốc).
Tuy nhiên, kế hoạch này lại gặp trắc trở do những rắc rối từ phía Western Digital Corp, một đối tác liên doanh sản xuất chip lâu năm với Toshiba.
Công ty này đã khiếu nại lên tòa án, cho rằng mình có quyền phủ quyết các thương vụ mua bán liên quan đến mảng kinh doanh chip của Toshiba. Vậy là mọi việc đã rối lại càng thêm rối, Toshiba muốn nhanh nhưng càng phải chờ đợi.
Hải Châu