Đây là mức phạt lớn chưa từng có ở Nhật Bản liên quan tới sai phạm về kế toán, cho dù cũng chưa đáng là bao so với mức phạt mà doanh nghiệp ở Mỹ phải gánh chịu vì những hành vi tương tự.
Sai phạm tại Toshiba chủ yếu bắt nguồn từ việc nhân viên cố tình ghi giảm chi phí của các dự án dài hạn, giúp thổi phồng lợi nhuận tập đoàn này thêm ít nhất 151,8 tỷ Yên (khoảng 1,2 tỷ USD) trong giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2014; chưa kể giá trị hàng tồn kho cũng bị tính toán không chính xác.
Giá cổ phiếu của Toshiba tính từ 8/5 đến nay đã lao dốc từ 483 xuống còn 303 Yên
Vì những mục tiêu không tưởng
“Thủ phạm chính” trong vụ việc này là một số lãnh đạo cấp cao ở Toshiba, những người đã gây sức ép buộc cấp dưới phải đạt được hàng loạt chỉ tiêu doanh số phi thực tế trong thời kỳ hậu suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008.
Do yêu cầu của cấp trên thường được đưa ra ngay trước khi kết thúc một quý hay năm tài chính nên nhân viên Toshiba phải cuống cuồng xoay sở bằng cách trì hoãn ghi nhận các khoản lỗ hoặc “tích cực” ghi nhận trước các khoản doanh thu.
Thành phần ban lãnh đạo Toshiba sau đó chứng kiến nhiều xáo trộn mạnh mẽ khi những cá nhân liên đới phải từ chức và bị kiện ra toà. Đáng chú ý trong số này có ông Tanaka, người đảm đương vai trò giám đốc điều hành kể từ năm 2013, và người tiền nhiệm Norio Sasaki. Ông Tanaka, 64 tuổi, và ông Sasaki, 66 tuổi, đều bắt đầu làm việc cho Toshiba từ đầu những năm 1970.
5 năm mà ông Sasaki làm chủ tịch Toshiba (2009 – 2013) là phần lớn khoảng thời gian mà doanh nghiệp này bóp méo số liệu lợi nhuận. Ông Sasaki còn phải rút tên khỏi hội đồng tư vấn chính sách kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe.
Một trường hợp khác là ông Atsutoshi Nishida, cựu giám đốc điều hành trong giai đoạn 2005 – 2009 và sau đó là cố vấn cho Toshiba, cũng phải thôi việc.
Phó Thủ tướng Nhật Bản, ông Taro Aso, với vai trò điều hành lĩnh vực tài chính và chứng khoán, khi đó đã phải thốt lên “Tôi hoàn toàn thất vọng vì sự việc này có thể gây tổn hại niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường Nhật Bản.”
Hôm 7/12, Chủ tịch Toshiba Masashi Muromachi khẳng định tập đoàn này sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu để chấn chỉnh bộ máy tổ chức và hoạt động sau scandal mất thể diện nêu trên. Trong thời gian tới, tương lai của mảng kinh doanh máy tính cá nhân sẽ được định đoạt, có thể là sáp nhập với một doanh nghiệp chuyên sản xuất máy tính để bàn.
Trước đó, Toshiba đã nhượng lại cho Sony bộ phận sản xuất bán dẫn và đang cân nhắc bán nốt cổ phần đang nắm giữ trong một công ty sản xuất chip – nguồn thu lớn nhất của Toshiba hiện nay.
Bài học làm gương
Sau khi bê bối kế toán bị bại lộ và công ty tuyên bố hoãn chi trả cổ tức cuối năm, giá cổ phiếu của Toshiba tính từ 8/5 đến nay đã lao dốc từ 483 xuống còn 303 Yên. Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo thậm chí còn đưa cổ phiếu Toshiba vào danh sách theo dõi, khiến khả năng huy động vốn của tập đoàn này bị ảnh hưởng.
Chưa hết, 50 cổ đông riêng lẻ, bao gồm một số nhà đầu tư ở Mỹ, đã đồng loạt đâm đơn kiện Toshiba, yêu cầu bồi thường 302 triệu Yên với lý do họ bị thiệt hại bởi giá cổ phiếu đi xuống. Giới chức Nhật Bản muốn “làm mạnh tay” trong vụ việc Toshiba như để làm gương bởi Thủ tướng Shinzo Abe đang muốn tăng trách nhiệm giải trình của giới doanh nghiệp trước cổ đông và nâng cao tính minh bạch nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Theo lời ông Kiyotaka Sasaki, Tổng thư ký Ủy ban Giám sát giao dịch chứng khoán Nhật Bản (SESC), do tên tuổi của Toshiba đã quá nổi tiếng trên toàn cầu, bê bối trên lại thu hút sự quan tâm lớn của dư luận nên việc điều tra chắc chắn sẽ được tiến hành rất chi tiết.
Án phạt cao chưa từng có tại Nhật Bản đối với sai phạm trong lĩnh vực kế toán dành cho Toshiba cao gấp bốn lần con số kỷ lục trước đó là 1,6 tỷ Yên, mà tập đoàn công nghiệp và quân đội IHI phải nộp năm 2008 vì làm giả báo cáo tài chính.
Hùng Anh