Nhưng sau hai đợt đầu triển khai, chương trình “tái cấp vốn dài hạn có mục tiêu” (TLTRO) dường như chưa để lại dấu ấn nào.
Khảo sát mới đây của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cho thấy mặc dù mặt bằng lãi suất là rất ưu đãi nhưng nhu cầu vay trên toàn khu vực đồng euro lại giảm đi. Tỷ lệ các ngân hàng có báo cáo tăng nhu cầu tín dụng doanh nghiệp trong quý trước giảm xuống còn 0%, so với mức 9% vào cuối năm ngoái. Nhu cầu vay ròng giảm mạnh ở Tây Ban Nha và Italia.
Vấn đề không nằm ở ngân hàng
Giới phân tích và nhà đầu tư cho rằng vấn đề cơ bản không nằm ở nguồn cung, mà thực chất là nhu cầu, khi nhiều công ty và hộ gia đình còn mắc nợ chưa trả hết và không nhìn thấy triển vọng làm ăn sáng sủa nên chưa muốn vay mượn vào lúc này.
Một số người so sánh những nỗ lực của ECB với ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ). BOJ cũng từng bị chỉ trích về việc “đổ thêm dầu vào lửa” bằng những thử nghiệm chính sách tương tự nhằm thúc đẩy dòng tín dụng trong một nền kinh tế đang trì trệ.
Bà Shweta Singh - Chuyên gia kinh tế tại TS Lombard, nhận định rằng các hoạt động như TLTRO sẽ hữu ích trong bối cảnh các ngân hàng thiếu nguồn lực đáp ứng nhu cầu tín dụng. Nhưng do nhu cầu hiện nay đang yếu, đặc biệt là ở Italia, nên tác động của TLTRO cũng bị hạn chế.
Tuy nhiên, ECB tỏ ra vẫn quyết tâm theo đuổi chương trình này. Tại một cuộc họp hồi tháng Ba, Chủ tịch Mario Draghi khẳng định ông muốn TLTRO giai đoạn 3, dự kiến bắt đầu vào tháng 9/2019, sẽ tiếp tục “duy trì các điều kiện cho vay thuận lợi của ngân hàng và bảo đảm quá trình chuyển đổi chính sách tiền tệ diễn ra trơn tru”. Thậm chí, biên bản cuộc họp còn cho thấy ECB đang cân nhắc ra thông cáo sớm về TLTRO III để phù hợp với tình hình mới.
TLTRO cùng với chương trình mua trái phiếu lãi suất thấp một thời là hai chính sách quan trọng của ECB nhằm thúc đẩy tăng trưởng cho khu vực eurozone. Tốc độ tăng trưởng của khối này đã giảm gần một nửa so với năm ngoái, xuống chỉ còn hơn 1%.
Ông Erik Nielsen - Kinh tế trưởng tại ngân hàng UniCredit của Italia, cho biết: “Nếu không có hoạt động giống như TLTRO, các điều kiện tiền tệ sẽ bị thắt chặt đối với các doanh nghiệp và hộ gia đình vừa và nhỏ, điều này là không phù hợp trong thời điểm triển vọng kinh tế đang xấu đi”.
![]() |
ECB đang cân nhắc ra thông cáo sớm về TLTRO III để phù hợp với tình hình mới |
Dấu hỏi cho pha 3
Theo khảo sát của ECB, hai pha trước của TLTRO cũng có tác dụng nhất định trong việc nới lỏng các tiêu chuẩn cho vay, đặc biệt là ở các quốc gia dễ bị tổn thương như Italia và Tây Ban Nha. Kể từ khi TLTRO ra mắt lần đầu tiên vào năm 2014, chêch lệch lãi suất cho vay giữa các quốc gia trong khu vực đồng euro đã giảm hẳn.
Italia được ước tính đã vay khoảng 1/3 trong số 724 tỷ euro (817 tỷ USD) TLTRO. Theo Ts Lombard, ở cả Tây Ban Nha và Italia, khoản vay TLTRO tương ứng khoảng 15% tổng sản phẩm quốc nội, trong khi ở Đức là khoảng 3%.
Tuy nhiên, ở cả Italia và Tây Ban Nha, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại còn yếu. Theo số liệu mới nhất của ECB, tốc độ tăng trưởng hàng năm tín dụng doanh nghiệp ở hai nước này gần như bằng không, trong khi chỉ số này lại tăng mạnh 6% ở Pháp và Đức.
Bà Francesca Vasciminno - Giám đốc cấp cao tại Fitch Ratings, cho rằng đây là kết quả của việc các ngân hàng sử dụng quỹ giá rẻ “để tranh thủ đầu tư vào trái phiếu chính phủ, nếu lợi suất hấp dẫn”. Các ngân hàng có thể sẽ đầu tư nhiều hơn vào các loại trái phiếu an toàn nếu tăng trưởng kinh tế suy yếu, bà Vasciminno nhận định.
Theo kết quả đánh giá từ cuộc khảo sát, triển vọng chung là không quá khả quan. Nhu cầu tín dụng tiêu dùng, ngoại trừ mua nhà, tăng chậm nhất trong vòng năm năm qua, trong khi tăng trưởng nhu cầu tín dụng doanh nghiệp đã chững lại.
Ông Jack Allen - Chuyên gia kinh tế tại Capital Economics, cho rằng nhu cầu tín dụng chững lại là “một lý do để nghi ngờ về khả năng mà TLTRO giai đoạn 3 có thể thúc đẩy tín dụng”.
Hải Châu