Sức mạnh tương đối của nền kinh tế Anh tại thời điểm này biến đây trở thành một thời điểm tốt để tổ chức bầu cử, trước khi các dấu hiệu suy thoái kinh tế có thể trở nên rõ nét hơn.
Cú xoay 180 độ
Trả lời báo giới bên ngoài văn phòng làm việc trên phố Downing về quyết định đột ngột của mình, Thủ tướng Anh thừa nhận trước kia bà không mặn mà lắm với chuyện tổ chức bầu cử. Tuy nhiên, sau thời gian dài suy nghĩ kỹ lưỡng, bà May nhận thấy đây là thời điểm cần sự ủng hộ từ Quốc hội trước những “chọc ngoáy” của phe đối lập, khiến quá trình Brexit trở nên phức tạp hơn. Dù gì thì bà lên làm Thủ tướng chỉ bởi người tiền nhiệm David Cameron từ chức, chứ không phải “danh chính ngôn thuận” do nhân dân bầu lên.
Ngay sau tuyên bố quan trọng trên, bà May đã nhấc máy gọi cho Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Đức Angela Merkel và một số nhà lãnh đạo châu Âu khác để thông báo tình hình.
Trước đây, bà May không muốn bầu cử sớm, vì cho rằng nước Anh cần sự ổn định để lo liệu Brexit. Tuy nhiên, thực tế lại diễn ra ngược lại: sự chia rẽ giữa các đảng phái chính trị, giữa các nước thành viên của Vương quốc Anh, cũng chỉ vì Brexit, khiến mọi việc rối tung hơn bao giờ hết.
Bởi lẽ đó, bà May trông chờ lần “chỉnh đốn” này sẽ giúp dọn dẹp tất cả, giống như việc người tiều phu mất chút thời gian để mài sắc lưỡi rìu, nhưng đẩy nhanh được tiến độ công việc.
Về mặt quy trình, cơ chế tổ chức bầu cử trước thời hạn ở Anh hiện nay có phần phức tạp hơn xưa. Trước kia, cứ khi nào thấy phải thay đổi thì chính phủ Anh có thể yêu cầu bầu cử sớm, nhưng từ năm 2011, đạo luật về chu kỳ tuyển cử (FPA) đã đặt ra thời hạn để tổ chức bầu cử là 5 năm 1 lần. Bầu cử trước thời hạn chỉ được chấp thuận khi có sự ủng hộ của 2/3 trong tổng số 650 ghế Hạ viện, bao gồm cả ghế trống (tương đương 434 phiếu).
Đảng Bảo Thủ của bà May hiện giữ 330 ghế, còn Đảng Lao Động đối lập nắm 229 ghế. Nếu các chính trị gia của cả hai đảng thực hiện đúng những cam kết về mong muốn bầu cử sớm, thì tổng số 559 phiếu ủng hộ là quá đủ. Khi đó, Quốc hội Anh sẽ phải dừng hoạt động trong vòng 25 ngày (không tính nghỉ lễ) trước ngày bầu cử dự kiến, tức là từ ngày 3/5 tới đây.
![]() |
Nếu giành chiến thắng, vị thế của bà May sẽ được tăng cường đáng kể
Điểm tựa vững chắc
Điều kiện kinh tế hiện tại của nước Anh là một điểm tựa vững chắc để bà May yên tâm tổ chức bầu cử, trước khi các dấu hiệu suy thoái xuất hiện rõ nét hơn.
“Cho dù dư luận từng đưa ra nhiều phỏng đoán về hậu quả kinh tế tài chính của cuộc bỏ phiếu Brexit, nhưng từ đó đến nay, niềm tin của người tiêu dùng vẫn cao, số lượng việc làm và tăng trưởng kinh tế đã vượt quá mọi mong đợi”, nữ Thủ tướng Anh nhấn mạnh.
Bà May còn được tiếp thêm sự tự tin từ kết quả có lợi trong các trưng cầu dân ý trước đó. Nhiều cuộc khảo sát cho thấy Đảng Bảo Thủ đang dẫn trước Đảng Lao Động tối thiểu là 18 điểm phần trăm.
Thời điểm bầu cử cũng bảo đảm xác suất chiến thắng cao hơn cho bà May. Nếu đàm phán Brexit kết thúc năm 2019 như kế hoạch, rồi đến 2020 nước Anh mới bầu cử thì chẳng ai biết được tình thế của bà May trên chính trường sẽ tốt xấu ra sao, sau một năm chân ướt chân ráo rời khỏi mái nhà chung EU.
Sau ngày 8/6 tới đây, nếu giành chiến thắng thuyết phục, vị thế của bà May sẽ được tăng cường đáng kể cả trong và ngoài nước, chưa kể các vòng đàm phán chắc chắn đầy cam go, với 27 nước thành viên còn lại của EU.
Trường hợp mọi việc suôn sẻ mà Quốc hội Anh chấp thuận tổ chức bầu cử trước thời hạn, thì châu Âu sẽ có một năm 2017 “được mùa” bầu cử, khi ba nền kinh tế lớn nhất là Đức, Anh, Pháp cùng tổ chức tổng tuyển cử.
Pháp sẽ là nước đầu tiên (tháng 4), còn Đức thì “chốt sổ” trong tháng 9. Những cuộc bầu cử quan trọng này chắc chắn sẽ định hình lại tương quan chính trị của cả châu Âu nói chung trong tương lai.
Hải Châu