Đối tượng chính chịu sự tác động của những thay đổi chính sách ở Luxembourg là các công ty tài chính trực thuộc các tập đoàn đa quốc gia. Theo đó, kể từ ngày 1/1/2017, việc tài trợ vốn của một công ty tài chính cho các công ty “chị em” của mình sẽ phải bám sát thực tiễn trên thị trường, tương đương các điều khoản và điều kiện mà công ty tài chính đó áp dụng đối với các đối tác khác.
Bước ngoặt từ đầu năm 2017
Đây cũng chính là vấn đề thu hút nhiều nhất sự quan tâm của Ủy ban châu Âu (EC) thời gian qua và có tên gọi là “chuyển giá” (transfer pricing). Chuyển giá là phương thức mà các tập đoàn đa quốc gia thường sử dụng để tối thiểu hóa số thuế phải nộp, theo đó chính sách giá đối với hàng hóa, dịch vụ mà một công ty con trong tập đoàn cung cấp cho một công ty “chị em” khác (thường là ở các quốc gia khác nhau) được tính toán sao cho lợi nhuận tổng thể của cả tập đoàn được dồn tối đa về quốc gia hay vùng lãnh thổ nào có thuế suất thấp nhất.
Ngay sau khi Luxembourg công bố những thay đổi mang tính đột phá của mình, bà Margrethe Vestager - Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề về cạnh tranh, đã lên tiếng hoan nghênh động thái trên và tin tưởng rằng từ nay, Luxembourg sẽ “nghiêm ngặt hơn” trong công tác giám sát việc tuân thủ pháp luật thuế của các công ty tài chính.
Lâu nay, Luxembourg vẫn thường có các văn bản xử lý tình huống về thuế đối với từng trường hợp cụ thể của doanh nghiệp, dẫn tới tình trạng một bộ phận doanh nghiệp được “nương tay” hơn các doanh nghiệp khác, nhờ đó giảm được kha khá nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, sau khi quy định mới sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2017, những văn bản kiểu như vậy, mà Luxembourg từng ban hành trong quá khứ, sẽ không còn giá trị pháp lý nữa.
![]() |
Luxembourg vốn là nơi "trú ẩn" an toàn của nhiều doanh nghiệp và giới nhà giàu
Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tại Luxembourg hiện tại chỉ khoảng 20 - 21%, thấp hơn mức 35% tại Mỹ. Thủ tục hành chính thuế và kê khai tài sản tại đây có tính bảo mật cao, qua đó thu hút được ngày càng nhiều doanh nghiệp và giới nhà giàu tìm đến để “trú ẩn”.
Chống trốn thuế, gian lận thuế là một cuộc chiến gian khổ ở bất kỳ quốc gia nào và với EC - cơ quan điều hành của EU và cũng là cơ quan cao nhất về quản lý cạnh tranh, thì nó còn có phần vất vả hơn bởi trong một số trường hợp, EC còn phải đối phó với sự thỏa hiệp giữa một chính phủ nào đó với doanh nghiệp.
Tin vui trong cuộc chiến trường kỳ
EC luôn đi đầu trong việc thúc đẩy các biện pháp bịt các lỗ hổng thuế ở châu Âu và gây áp lực buộc những nước thành viên như Luxembourg, Hà Lan và Ireland phải từ bỏ “thói quen” sử dụng các chính sách thuế ưu đãi để “mời chào” các công ty đa quốc gia đến đầu tư, đặc biệt là trong bối cảnh EU chưa có một thỏa thuận chính thức nào về vấn đề này.
Bản thân EC không có thẩm quyền can thiệp vào chính sách thuế của từng nước, nhưng lại có quyền giám sát việc thực hiện các quy định EU về hỗ trợ của chính phủ, trong đó nghiêm cấm một số hành vi làm méo mó cạnh tranh.
Tổng cộng, EC đã rà soát hơn 1.000 văn bản xử lý tình huống thuế mà cơ quan chức năng của các nước thành viên EU đã ban hành cho doanh nghiệp. Đáng chú ý trong số đó, có thỏa thuận giữa Ireland và Apple mà EC cho rằng đã giúp Apple né được 13 tỷ EUR tiền thuế, tạo điều kiện cho “gã khổng lồ” công nghệ này nâng cao lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ.
Tháng 10/2015, EC cũng rút ra kết luận rằng chính phủ Luxembourg đã ưu đãi thuế cho Fiat Finance and Trade - một công ty tài chính của Fiat Chrysler Automobiles NV, giúp doanh nghiệp giảm đáng kể lợi nhuận phải kê khai và tiết kiệm được tới 20 triệu EUR tiền thuế kể từ năm 2012.
Luxembourg là quốc gia nằm giữa Đức, Pháp và Bỉ, với dân số chỉ khoảng 500.000 người. Tình hình chính trị và kinh tế ổn định, hệ thống quy định về thuế được đánh giá là rất dễ chịu, hệ thống ngân hàng bảo đảm tính bảo mật cao... là những yếu tố giúp quốc gia này trở thành điểm đến lý tưởng cho các tập đoàn đa quốc gia.
Hải Châu