Trả lời phỏng vấn tờ Financial Times, ông Jim Farley - người đứng đầu mảng thị trường toàn cầu, đồng thời là Phó Chủ tịch Ford, cho biết đối với đội xe của Ford, công ty sẽ tự mình chế tạo riêng để vận hành, chứ không chỉ tạo ra công nghệ rồi lại bán cho các nhà khai thác dịch vụ gọi xe.
Tận dụng tối đa cây nhà lá vườn
Định hướng này tương đồng với General Motors (GM) và Renault - Nissan. Trong khi Volvo và Jaguar Land Rover lại quyết định bán xe cho các ứng dụng đặt xe Uber và Waymo.
Đội xe của Ford sẽ sử dụng công nghệ hybrid và có thể hoạt động 20 tiếng mỗi ngày, được trang bị hệ thống tự động hóa giúp bảo đảm duy trì chuyển động ở những khu vực đông đúc mà vẫn tiết kiệm nhiên liệu một cách tối ưu.
Bên cạnh đó, do Ford tập trung vào cả hai mảng chở người và chở hàng, nên các dòng xe cỡ lớn như Transit cũng có thể sớm được áp dụng chế độ tự lái. Ford đang thử nghiệm một số dòng xe vận tải số lượng lớn, mà điển hình là dịch vụ xe buýt Chariot sử dụng xe Transit cải tiến ở London và California.
Điều này sẽ tạo nên khác biệt lớn so với GM, khi GM chỉ sử dụng phiên bản xe điện Chevrolet Bolt cho các đội xe tự lái của mình. Đổi lại, GM có điều kiện ra mắt sản phẩm sớm hơn, dự kiến vào năm 2019.
Liên minh Renault - Nissan - Mitsubishi thì phải đợi đến năm 2022 mới chính thức vận hành đội xe tự lái của mình, mặc dù thông tin chi tiết về loại phương tiện sẽ sử dụng còn đang nằm trong vòng bí mật.
Năm 2017, Ford đã tiến hành thử nghiệm chiếc xe tự lái Fusion trong môi trường giống như một đô thị thật tại trường đại học Michigan (Mỹ), để giúp hãng này có thể lường trước được nhiều tình huống ngoài đời thực nhất có thể.
Môi trường này đáp ứng khả năng lái tự động cấp độ 4, tương đương với việc chiếc xe có thể tự điều khiển khi qua ngã tư, phát hiện người đi bộ qua đường, nhận diện tín hiệu đèn giao thông và nhận diện người điều khiển xe đạp trên đường.
Cũng trong năm đó, Ford đầu tư 1 tỷ USD vào Argo AI - một start-up về trí tuệ nhân tạo, được thành lập bởi Bryan Salesky (từng là nhân viên kỳ cựu trong đội ngũ phát triển xe tự lái của Google) và Peter Rander (từng lãnh đạo nhóm nghiên cứu công nghệ tự động hóa của Uber).
Ford dự kiến đưa vào hoạt động mạng lưới taxi tự hành trong năm 2021 |
Phô diễn tham vọng trước đối thủ
Mục đích của khoản đầu tư là rất rõ ràng: Cạnh tranh trực tiếp với Waymo và Uber, cũng như các nhà sản xuất ôtô truyền thống như General Motors và Toyota, trong việc phát triển các loại phương tiện giao thông tự động.
Ông Farley khẳng định, công ty này không đợi đến 2021 mới bắt đầu đưa đội xe tự lái vào thử nghiệm, mà phải xúc tiến quá trình này ngay từ bây giờ, để tới thời điểm đó là đủ khả năng mở rộng quy mô.
Việc thử nghiệm có ý nghĩa quyết định tới sự thành bại của mô hình kinh doanh mới, bởi nó giúp Ford xác định rõ tỷ trọng các nguồn thu trong tổng doanh thu, số tiền người tiêu dùng sẵn sàng trả cho dịch vụ giao hàng không người lái, mức giá dịch vụ phù hợp nhất cho khách hàng là các công ty logistics hoặc công ty vận chuyển…
Ford cũng dự kiến mở rộng mạng lưới của mình tới các doanh nghiệp nhỏ địa phương kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hóa, qua đó có thể thách thức trực tiếp các dịch vụ chuyển phát tại nhiều địa bàn khác nhau.
Có thể thấy, dù mới vướng vào tai tiếng gây tai nạn chết người trong quá trình thử nghiệm của Uber, các dòng xe không người lái vẫn khẳng định tiềm năng rất lớn trong tương lai, trên cơ sở niềm tin rằng tự động hóa sẽ giúp loại trừ sai sót của con người, giảm thiểu tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra.
Công nghệ xe tự hành cũng mở ra nhiều mô hình kinh doanh mới mẻ đầy tiềm năng, như dịch vụ robot taxi giúp giảm số lượng xe cá nhân tại các thành phố đông đúc.
Hải Châu