Số tiền 2,5 tỷ USD từ WB và 1 tỷ USD của AfDB dự kiến sẽ hưởng lãi suất ưu đãi hơn thị trường, nếu được lãnh đạo hai ngân hàng thông qua.
Mục tiêu chính của đề xuất mà chính quyền Tổng thống Muhammadu Buhari đưa ra là bù đắp phần nào số thâm hụt ngân sách 15 tỷ USD, bắt nguồn từ chủ trương đẩy mạnh đầu tư công để kích thích nền kinh tế. Ban đầu, các chuyên gia ước tính thâm hụt “chỉ” dừng ở mức 11 tỷ USD, tương đương 2,2% GDP, nhưng giá dầu đã khiến lỗ hổng ngân sách phình to thêm tới 4 tỷ USD.
Cách rẻ nhất có thể
Là nền kinh tế lớn nhất châu Phi với trữ lượng dầu mỏ đáng ghen tị, Nigeria cũng chính là nước chịu tác động mạnh nhất bởi giá dầu. Dự báo đóng góp của tiền bán “vàng đen” trong tổng thu ngân sách của Nigeria sẽ giảm từ 70% xuống còn hơn 30% trong năm 2016 này.
Tiền thu về thì giảm sút, tiền đang cất giữ cũng “mỏng” đi trông thấy. Tính đến thời điểm hiện tại, quỹ dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nigeria đã hao mất gần một nửa, từ đỉnh cao 50 tỷ USD cách đây vài năm, xuống còn 28,2 tỷ USD; trong khi số dư quỹ dự phòng quốc gia dành cho trường hợp khẩn cấp chỉ sót lại có 2,3 tỷ USD so với 22 tỷ USD thời kỳ khủng hoảng tài chính 2008 - 2009.
Trả lời phỏng vấn tờ Financial Times, Bộ trưởng Tài chính Nigeria - Kemi Adeosun, tiết lộ chính phủ cũng nghĩ đến việc quay trở lại thị trường trái phiếu lần đầu tiên kể từ năm 2013, nhưng có chút lưỡng lự cân nhắc, bởi lãi suất đi vay tăng tỷ lệ thuận với mức độ thâm hụt ngân sách. Bà Adeosun cho rằng tìm kiếm sự hỗ trợ của WB và AfDB là “cách rẻ nhất có thể” để giải quyết bài toán hiện nay.
Khoản vay từ WB là một phần trong chính sách phát triển nhằm hỗ trợ giải quyết những vấn đề tài chính ngắn hạn của các quốc gia và thường đi cùng với gói cứu trợ của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Thời kỳ khủng hoảng kinh tế 2008 - 2009, không ít nước đang phát triển, trong đó có Nigeria, đã nhận được sự hỗ trợ từ khoản vay này. Trong điều kiện nhiều quốc gia xuất khẩu hàng hóa đang gặp khó khăn như hiện nay, nhu cầu về khoản vay hỗ trợ dự kiến sẽ tăng trở lại.
Theo quy định, muốn được WB hỗ trợ, chính phủ đi vay phải chứng minh rằng mình đang thực hiện cải cách cơ cấu và thuyết phục được IMF về chính sách kinh tế của mình. Còn nếu muốn nhận được hỗ trợ tài chính riêng từ IMF thì phải đáp ứng nhiều điều kiện khắt khe hơn.
![]() |
Ngành dầu mỏ đóng vai trò quan trọng đặc biệt trong nền kinh tế Nigeria
Chủ động né IMF
Các chuyên gia cho rằng điều kiện kinh tế hiện nay của Nigeria rất khớp với mục tiêu của các khoản vay IMF, tuy nhiên, dường như chính phủ của ông Buhari lại không mặn mà. Những năm 80 của thế kỷ trước, ở vai trò lãnh đạo chính phủ, ông Buhari từng “lắc đầu” với IMF và khả năng ông gật đầu lần này là rất nhỏ.
Tháng 1 vừa qua, phái đoàn của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF đã tới Nigeria và đưa ra dự báo về mức tăng trưởng năm 2016 là 3,25%, so với 2,9% năm 2015. Nhưng nhìn chung như vậy vẫn còn khá khiêm tốn so với tốc độ tăng trưởng trung bình 6,8% của giai đoạn 2005 - 2014.
Ông Buhari sau khi đắc cử Tổng thống Nigeria đã có những phát biểu mạnh mẽ về chống tham nhũng và tình hình ngân sách - điều mà ông cho rằng người tiền nhiệm Goodluck Jonathan không làm được.
Tuy nhiên, chính phủ non trẻ mới 8 tháng tuổi của ông cũng đang bị đặt dấu hỏi về khả năng lèo lái và xử lý vấn đề của nền kinh tế. Những biện pháp kiểm soát vốn ngặt nghèo từng áp dụng đã không giúp ích gì nhiều, thậm chí còn gây áp lực lên tăng trưởng. IMF đã phải kêu gọi chính phủ Nigeria cân nhắc thêm các lựa chọn thay thế khác.
Tổng giám đốc IMF - bà Christine Lagarde, cũng hối thúc quốc gia này cho phép đồng nội tệ naira giao dịch tự do hơn, để có thêm công cụ đối phó với tác động từ những cú sốc đối với nền kinh tế, đồng thời tránh phải dùng đến những biện pháp áp đặt hạn chế ngoại hối - điều mà IMF không hề ủng hộ.
Hùng Anh