Kế hoạch trên, được đưa ra sau khi Shell vừa hoàn tất thương vụ thâu tóm đối thủ BG Group Plc (Anh), nhằm mục tiêu giúp tập đoàn dầu khí khổng lồ này tiết kiệm khoảng 4,5 tỷ USD trong vòng hai năm, tăng 1 tỷ USD so với ước tính trước đó. Shell cũng cho biết số lượng các điểm sản xuất dầu khí nằm trong kế hoạch chuyển nhượng lên tới khoảng 10% hoạt động sản xuất, đồng nghĩa với việc Shell có thể rút hoạt động tại năm đến mười nước.
Shell giữ nguyên doanh thu bán tài sản dự kiến ở mức 30 tỷ USD, và hạ ước tính các khoản đầu tư trong năm 2016 xuống còn 29 tỷ USD, trong bối cảnh các doanh nghiệp năng lượng trên toàn cầu đang vật lộn với tình trạng giá dầu thấp.
Giám đốc điều hành Ben van Beurden khẳng định các chính sách hạn chế sử dụng vốn trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm, giảm chi phí và bán bớt những mảng hoạt động kém hiệu quả, Shell có thể phục hồi theo hướng tập trung và phát triển mạnh mẽ hơn.
Giá cổ phiếu của Shell đã tăng khoảng 2,7% trong phiên giao dịch chiều ngày 7/6 trên thị trường chứng khoán London, và dẫn đầu các cổ phiếu thuộc chỉ số FTSE 100.
Mới đây Shell đã hoàn tất thỏa thuận mua lại tập đoàn dầu khí BG Group Plc với giá 47 tỷ bảng (68 tỷ USD), nhằm mục tiêu củng cố vị thế trên thị trường khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Với chi phí mua cao và áp lực của giá dầu thấp, Shell đã bắt đầu kế hoạch cắt giảm ít nhất 12.500 việc làm trong vòng hai năm, cho đến hết năm 2016. Trong quý I/2016, lợi nhuận ròng của Shell giảm đến 89% với nguyên nhân được viện dẫn là do diễn biến ảm đạm của giá dầu.
Thị trường “vàng đen” thế giới lao dốc kể từ giữa năm 2014, với giá dầu giảm từ mức trên 100 USD/thùng xuống mức đáy của 13 năm – vào khoảng 27 USD/thùng trong tháng 2/2016, chủ yếu bởi tình trạng nguồn cung dôi dư kéo dài. Tuy nhiên, giá mặt hàng này đã bắt đầu phục hồi lên gần 50 USD/thùng trong thời gian gần đây nhờ những dấu hiệu cho thấy thị trường đang dần tái cân bằng trở lại.
Theo TTXVN