Xếp hạng tín nhiệm của Venezuela bị hạ từ CCC xuống CC, chỉ cách vỡ nợ 2 bậc. Hai hãng khác là S&P Global Ratings và Moody’s Investors Service cũng xếp hạng nước này ở mức rất thấp.
"Khả năng dự trữ quốc tế giảm mạnh vì các lệnh trừng phạt sẽ khiến nước này gặp nhiều thách thức trong việc trả nợ đúng hạn", Richard Francis - nhà phân tích tại Fitch nhận xét.
Giới quan sát ngày càng nghiêng về khả năng Venezuela vỡ nợ, khi dự trữ quốc tế của họ đang ở đáy 15 năm. Những lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ cũng bóp nghẹt các lựa chọn tài chính của nước này.
Theo số liệu của Bloomberg, khả năng Venezuela không thể thanh toán một khoản nợ bất kỳ trong 12 tháng tới đã tăng lên 64%. Tỷ lệ này trong 5 năm là 97%.
Vài tuần gần đây, Mỹ đã áp đặt thêm nhiều vòng trừng phạt lên các cá nhân và tổ chức có quan hệ với chính quyền Tổng thống Venezuela - Nicolas Maduro. Các cuộc bầu cử gây tranh cãi cũng khiến nước này bị chỉ trích mạnh.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ "sẽ khiến thanh khoản của Venezuela vốn đã yếu lại càng xuống cấp. Cùng với biến động chính trị hiện tại, chúng có thể làm tăng bất ổn chính sách, chính trị, khủng hoảng kinh tế, chia rẽ quan điểm và đẩy cao bất ổn xã hội", Fitch nhận xét.
Venezuela từng là quốc gia giàu nhất Mỹ Latin và hiện vẫn sở hữu trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, khi giá dầu lao dốc và nền kinh tế không được điều tiết hợp lý, nền kinh tế này đã rơi vào cuộc khủng hoảng tồi tệ suốt nhiều năm nay. Lạm phát được dự báo lên tới 2.200% và người dân luôn trong tình trạng thiếu hụt nhu yếu phẩm như lương thực, thuốc men.
VT